Quốc tế

Báo động suy giảm năng lực học tập ở nhiều nước

13:21, 07/12/2023 (GMT+7)

Kết quả khảo sát mới nhất về tiêu chuẩn học tập toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, kỹ năng đọc hiểu và làm toán của thanh, thiếu niên đang suy giảm chưa từng thấy ở hàng loạt quốc gia.

Theo các chuyên gia OECD, ngoài các nguyên nhân như nhiều trường học đóng cửa trong thời kỳ Covid-19 và một số yếu tố khách quan khác thì tỷ lệ sử dụng điện thoại di động gia tăng để phục vụ mục đích giải trí là nguyên nhân lớn.

Suy giảm kỹ năng làm toán, đọc hiểu

Theo Reuters, cuộc khảo sát của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được tiến hành vào năm 2022 với sự tham gia của tổng cộng gần 700.000 thanh thiếu niên ở 38 quốc gia thành viên OECD và 44 quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ cuộc khảo sát này như bài sát hạch quốc tế lớn nhất về hiệu quả giáo dục kể từ thời điểm Covid-19 và kết quả cho thấy những con số đáng lo ngại về chất lượng giáo dục ở nhiều quốc gia.

Trong cuộc khảo sát, các thanh, thiếu niên phải làm bài kiểm tra kỹ năng làm toán, đọc hiểu, khoa học kéo dài 2 giờ. Kết quả cho thấy, so với năm 2018, hiệu suất đọc giảm trung bình 10 điểm và kỹ năng làm toán giảm 15 điểm tại các nước thành viên OECD, mức giảm tương đương với 3/4 giá trị học tập của một năm. Chuyên gia phân tích giáo dục Irene Hu của OECD cho biết: “Kết quả PISA 2022 cho thấy năng lực học tập của học sinh đã sụt giảm chưa từng có trong lịch sử cuộc khảo sát này”.

OECD cho biết, hơn một nửa trong số 81 quốc gia tham gia khảo sát chứng kiến sự sụt giảm về kỹ năng đọc hiểu, làm toán kể từ năm 2000. Đáng chú ý, Đức, Iceland, Hà Lan, Na Uy và Ba Lan chứng kiến điểm số môn toán giảm mạnh ở mức báo động. Trung bình trên toàn các nước thành viên OECD, cứ 4 học sinh 15 tuổi thì có 1 học sinh có thành tích kém ở môn toán, đọc và khoa học. Điều này có nghĩa là các học sinh này không thể thực hiện phép tính cơ bản cũng như hiểu văn bản ở mức độ đơn giản.

Đáng chú ý, học sinh châu Á vẫn thống trị bảng xếp hạng với thành tích vượt trội so với các bạn đồng lứa ở các châu lục khác. Học sinh ở Singapore đạt điểm cao nhất trong cuộc khảo sát khi “đi trước” các bạn cùng độ tuổi ở các nước thành viên OECD trung bình từ 3 đến 5 năm. Sau Singapore, Ma Cao, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vượt trội về môn toán và khoa học. Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thuộc nhóm đạt điểm cao nhất trong môn đọc hiểu.

Tại Mỹ, bất chấp các khoản đầu tư của chính quyền Tổng thống Joe Biden dành cho ngành giáo dục, bao gồm gói cứu trợ 190 tỷ USD cho các trường học để ứng phó với Covid-19, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Miguel Cardona phàn nàn, điểm toán của nước này vẫn thấp. Ông nói: “Chúng ta không thể chủ quan bởi toán học rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh và năng lực lãnh đạo toàn cầu của đất nước”. Tương tự, nền kinh tế phát triển khác như Đức cũng ghi nhận kết quả kém chưa từng thấy ở các môn đọc hiểu, toán và khoa học.

Đâu là nguyên nhân chính?

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến thực trạng suy giảm năng lực học tập ở thanh, thiếu niên, Giám đốc Giáo dục OECD Andreas Schleicher cho rằng, Covid-19 có thể đã tác động nào đó dẫn đến kết quả này nhưng đó chưa phải là yếu tố mang tính quyết định. “Có những yếu tố cấu trúc cơ bản về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, và nhiều khả năng đây là những đặc điểm lâu dài mang tính hệ thống tác động đến chất lượng giáo dục. Do đó, giới hoạch định chính sách cần xem xét nghiêm túc các yếu tố này”, ông Schleicher lưu ý.

Theo chuyên gia này, kết quả học tập kém hơn có xu hướng liên quan đến tỷ lệ sử dụng điện thoại di động để giải trí ngày càng tăng khi những phiền nhiễu của kỹ thuật số đã tác động không nhỏ đến khả năng tập trung của học sinh. Bên cạnh đó, sự suy giảm trong sự hỗ trợ, tương tác của phụ huynh đối với nhà trường cũng có thể “tiếp tay” cho tình trạng này.

Lần đầu tiên, cuộc khảo sát tập trung vào trạng thái tinh thần của học sinh, làm rõ mối tương quan giữa kết quả học tập và sự lo lắng. Ở các quốc gia có thành tích cao, nhiều học sinh cho biết họ rất sợ thất bại nên tập trung cao hơn vào việc học và hạn chế tham gia hoạt động ngoại khóa như thể thao.

Có thể thấy, kết quả khảo sát, xếp hạng nói trên không phải để các quốc gia cạnh tranh với nhau mà cung cấp thông tin thực sự hữu ích cho các nhà giáo dục, hoạch định chính sách để phát huy điểm mạnh, cải thiện những thiếu sót trong hệ thống giáo dục của đất nước, qua đó cải thiện năng lực học tập của học sinh.

THƯ LÊ

.