Kinh tế thế giới sẽ "hạ cánh mềm"?

.

Đã qua rồi những cảnh báo ảm đạm về cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra. Giờ đây, việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 càng củng cố niềm tin kinh tế toàn cầu tiếp đà phục hồi vững chãi và tiến tới “cú hạ cánh mềm” (tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng không rơi vào suy thoái).

Kinh tế toàn cầu ngày càng cách xa kịch bản suy thoái. TRONG ẢNH: Công nhân tại một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở Dalton (Mỹ). Ảnh: New York Times
Kinh tế toàn cầu ngày càng cách xa kịch bản suy thoái. TRONG ẢNH: Công nhân tại một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở Dalton (Mỹ). Ảnh: New York Times

Sự lạc quan của IMF không phải là không có cơ sở khi kinh tế thế giới đang chứng kiến mức tăng trưởng bất ngờ của Mỹ và sự phục hồi mạnh hơn kỳ vọng ở các nền kinh tế thị trường phát triển và mới nổi, qua đó giúp cỗ máy kinh tế toàn cầu ngày càng nới rộng khoảng cách với kịch bản suy thoái.

Động lực chính nâng triển vọng tăng trưởng

Reuters dẫn báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố gần đây cho biết, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo đó, GDP toàn cầu có thể tăng 3,1% năm 2024, thêm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 10-2023, và giữ nguyên dự báo 3,2% cho năm 2025. Dẫu vậy, tăng trưởng vẫn dưới mức trung bình giai đoạn 2000-2019 (3,8%). Đáng chú ý, GDP của Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đều được nâng dự báo tăng trưởng năm nay.

“Kinh tế thế giới tiếp tục cho thấy sự sôi động ấn tượng. Lạm phát giảm và tăng trưởng đang nhích lên. Khả năng hạ cánh mềm đang cao lên. Chúng ta đã cách rất xa kịch bản suy thoái toàn cầu”, kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas khẳng định. Chuyên gia này cũng nhận định ngắn gọn nhưng chuẩn xác về bức tranh quan hệ cung-cầu. Về phía cầu, hoạt động toàn cầu được hỗ trợ bởi chi tiêu chính phủ và tư nhân mạnh hơn, bất chấp điều kiện tiền tệ thắt chặt. Về phía cung, sự tham gia của lực lượng lao động tăng lên, chuỗi cung ứng được cải thiện và giá năng lượng và hàng hóa rẻ hơn đã mang lại lợi ích, bất chấp những bất ổn địa chính trị mới xuất hiện.

Những tín hiệu cải thiện tích cực về tiêu dùng, việc làm và chuỗi cung ứng được xem là cơ sở để IMF nâng các mức dự báo nói trên. Thế giới đã “sống sót” sau cú sốc lạm phát lớn tốt hơn nhiều người dự đoán. Áp lực giá giảm bớt và lãi suất cao không ảnh hưởng đến hoạt động toàn cầu. Thương mại dự báo tăng 3,3% vào năm 2024 và 3,6% vào năm 2025 và lạm phát toàn cầu có thể ở mức 5,8% vào năm 2024 và giảm còn 4,4% vào năm 2025. Nhìn chung, lạm phát trên thế giới sẽ đi xuống, ngoại trừ Argentina.

Sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 như càng được tiếp thêm sinh lực khi “hạ cánh mềm” chắc chắn nằm trong tầm tay của kinh tế Mỹ. Kinh tế Mỹ đảo ngược ngoạn mục câu chuyện ảm đạm trong năm qua, trái ngược với lo ngại của đa phần giới chuyên gia trước đó. Bloomberg dẫn dữ liệu mới về GDP cho thấy Mỹ nới rộng cách biệt với Trung Quốc trong cuộc đua cho vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP danh nghĩa của Mỹ tăng 6,3% (chưa điều chỉnh theo lạm phát) năm 2023, vượt mức tăng 4,6% của Trung Quốc.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với các rủi ro suy thoái tiềm tàng. Căng thẳng địa chính trị khó lường tại Trung Đông và các vụ tấn công trên Biển Đỏ có thể gây gián đoạn giá hàng hóa và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, việc các nước hoãn công bố chính sách củng cố tài khóa, trong bối cảnh năm nay diễn ra nhiều cuộc bầu cử lớn, có thể vừa thúc đẩy hoạt động kinh tế nhưng cũng làm tăng lạm phát. IMF cũng tiếp tục cảnh báo về nguy cơ thương mại toàn cầu phân mảnh thành các khối đối đầu nhau. Năm 2023, các nước trên thế giới áp đặt khoảng 3.000 biện pháp hạn chế thương mại mới, cao gần gấp 3 lần con số năm 2019.

Kỳ vọng vào các nền kinh tế châu Á mới nổi

Cũng theo IMF, các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, tăng so với dự báo 3 tháng trước do tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc.

Nhiều nền kinh tế tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi cao, với tốc độ tăng trưởng đang tăng tốc ở Ấn Độ và các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á. Trong đó, tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay đã được IMF điều chỉnh tăng 0,4 điểm % lên 4,6% do chi tiêu chính phủ tăng, mặc dù vẫn chậm hơn so với mức 5,2% của năm ngoái.  IMF đánh giá nền kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi nhanh hơn dự kiến nếu Bắc Kinh tiến hành thêm các cải cách trong lĩnh vực bất động sản, chẳng hạn như tái cơ cấu các nhà phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán, hoặc chi nhiều hơn để thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng. Trong khi đó, tăng trưởng ở Ấn Độ sẽ duy trì ở mức 6,5% trong cả năm 2024 và 2025, tăng 0,2 điểm % so với dự báo trước đó cho cả hai năm, do nhu cầu trong nước ổn định.

Kinh tế Philippines tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
Philippines đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng nhờ tiêu dùng, dịch vụ và đầu tư. Theo Bloombebrg, GDP của quốc gia này tăng 5,6%, vượt qua mức tăng trưởng trung bình 5,5% được ghi nhận trong một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế. Cổ phiếu đã mở rộng mức tăng lên hơn 1%. Đồng nội tệ peso giảm 0,1% so với USD. Dù tốc độ tăng trưởng hằng năm chậm hơn mục tiêu của chính phủ nhưng đến nay, đây là tốc độ nhanh nhất trong khu vực.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.