Quốc tế
Ngành y Hàn Quốc thêm rối loạn
Ngành y tế Hàn Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có khi hơn 70% bác sĩ thực tập, nhân lực chủ chốt trong công tác cấp cứu, đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc để phản đối kế hoạch tăng số lượng sinh viên y khoa của chính phủ.
Gián đoạn các dịch vụ y tế
Theo Yonhap, tính đến ngày 21-2, khoảng 8.820 bác sĩ thực tập, tương đương hơn 70% đội ngũ bác sĩ trẻ của nước này, nộp đơn xin nghỉ; 7.813 người trong số đó rời khỏi nơi làm việc. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo, chưa có quốc gia nào trên thế giới chứng kiến nhân viên y tế có hành động nghỉ việc tập thể, rời bỏ bệnh nhân nguy kịch và cấp cứu. Quyền thực hiện hành động tập thể của các bác sĩ không thể được ưu tiên hơn quyền sống cơ bản của người dân.
Hàn Quốc có khoảng 13.000 bác sĩ thực tập đang làm việc tại các bệnh viện. Việc các bác sĩ thực tập đồng loạt đình công sẽ khiến tình hình khám, chữa bệnh không tránh khỏi hỗn loạn. Đến nay, 5 bệnh viện lớn ở Seoul, vốn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp dịch vụ y tế cho bệnh nhân nguy kịch, phải hủy bỏ hoặc hoãn các ca phẫu thuật. Theo giới quan sát, nếu đình công kéo dài, hoặc có sự tham gia của bác sĩ cấp cao, dịch vụ y tế tổng thể ắt gặp gián đoạn lớn.
Để đối phó với tình thế này, chính phủ đã kéo dài thời gian hoạt động tại 97 bệnh viện công và mở phòng cấp cứu tại nhiều bệnh viện quân đội cho công chúng. Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết, chính phủ sẽ mở rộng hoàn toàn các dịch vụ y tế từ xa; đồng thời chỉ đạo tổng cộng 409 bệnh viện có phòng cấp cứu bật chế độ cảnh báo khẩn cấp để giảm thiểu gián đoạn có thể xảy ra trong chăm sóc bệnh nhân cấp cứu. Chính phủ đã ban hành lệnh yêu cầu hầu hết bác sĩ đình công quay trở lại làm việc theo Luật Y tế của nước này để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Theo luật, nếu từ chối tuân theo mệnh lệnh, bác sĩ đình công có thể phải đối mặt với án tù 3 năm hoặc bị phạt 30 triệu won (22.480 USD), một hình phạt cũng có thể dẫn đến việc thu hồi giấy phép y tế của họ.
Bất đồng quan điểm
Nguyên nhân khiến các bác sĩ đòi nghỉ việc là họ muốn phản đối chủ trương của chính phủ Hàn Quốc bổ sung 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh ngành y từ năm học tới, từ mức 3.058 hiện tại. Theo quan điểm của giới chức nước này, tăng chỉ tiêu tuyển sinh để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ và nhân viên y tế, đặc biệt ở khu vực nông thôn và ở các lĩnh vực y tế thiết yếu trong bối cảnh số lượng bác sĩ ở Hàn Quốc so với quy mô dân số là thấp nhất trong các nước phát triển. Nước này có khoảng 2,6 bác sĩ/1.000 dân, so với mức trung bình 3,7 ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế.
Việc có thêm bác sĩ là điều rất quan trọng để đối phó với xã hội đang già đi nhanh chóng và sự chênh lệch giữa các khu vực. Theo tính toán, Hàn Quốc sẽ thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035 để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhân khẩu học. Nước này cần nhiều bác sĩ hơn để chuẩn bị cho một “xã hội siêu phát triển”, khi người cao tuổi chiếm 20% dân số vào năm 2025 và 30% vào năm 2035.
Ở chiều ngược lại, các bác sĩ cho rằng, chính phủ chưa có sự tham vấn đầy đủ về vấn đề này và động thái tăng tuyển sinh này sẽ ảnh hưởng chất lượng dịch vụ và giáo dục y tế. Việc tăng số lượng tuyển sinh vào trường y vẫn không tăng thêm lực lượng lao động trong các khoa chăm sóc thiết yếu, mà sẽ làm tăng sự cạnh tranh để giành các vị trí đào tạo ở các khoa phổ biến (da liễu, phẫu thuật thẩm mỹ...), đặc biệt ở các bệnh viện tại Seoul.
Các bác sĩ chỉ trích chính phủ đã phớt lờ nguyên nhân thực sự dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ: điều kiện khắc nghiệt và lương thấp. Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng, trong một tuần nhất định, các bác sĩ đang được đào tạo thường xuyên làm việc nhiều ca kéo dài hơn 24 giờ và nhiều người phải làm việc hơn 80 giờ/tuần.
GIA NGHI