Quốc tế

Leo thang căng thẳng từ cuộc tập trận của NATO

08:37, 12/03/2024 (GMT+7)

Từ ngày 4 đến 15-3, các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khởi động cuộc tập trận lớn mang tên Nordic Response 2024 tại ba nước Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đợt tập trận quân sự kéo dài có tên Steadfast Defender 24 của 32 nước NATO.

Steadfast Defender 24 là tên gọi cuộc tập trận quân sự có quy mô lớn nhất của NATO tại châu Âu kể từ thời Chiến tranh lạnh. Diễn ra từ 24-1 đến 31-5, đây là sự kiện đầu tiên triển khai các kế hoạch phòng vệ mới của NATO vốn được phát triển kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và chính thức phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius vào tháng 7-2023. Cuộc tập trận này quy tụ khoảng 90.000 binh sĩ từ 32 quốc gia. Các cuộc tập trận trong khuôn khổ Steadfast Defender 24 chủ yếu diễn ra trên các vùng đồng bằng của Ba Lan và Na Uy, nhưng cũng có ở Đức, các nước Baltic, Romania, Phần Lan, Slovakia, Hy Lạp và Thụy Điển.

Như vậy là sau ba thập kỷ cắt giảm hoạt động quân sự, lúc này NATO quyết định tăng cường trở lại. Cuộc tập trận Nordic Response 2024 cũng phản ánh xu hướng củng cố vị thế của NATO ở Bắc Âu. Sau khi Phần Lan gia nhập NATO, liên minh quân sự này sẽ tăng cường các hoạt động trong khu vực, song song với mở rộng năng lực quân sự.

Dù có thể sẽ là hơi sớm khi nói về một nguy cơ quân sự trực tiếp nào của NATO đối với Nga nổi lên từ phương Bắc, nhưng Nga rất cảnh giác với tình hình tại đây. Việc Nga thành lập các quân khu mới và tăng thêm các nỗ lực để củng cố vị thế ở Biển Baltic, vùng Bắc Cực và xung quanh vùng Kaliningrad ở cực tây nước Nga (vốn bao quanh là các nước thành viên NATO) là những ví dụ cho thấy phản ứng phòng thủ hợp lý của Nga thời gian qua.

Để tránh leo thang xung đột với Nga, NATO không gọi thẳng tên mục tiêu ứng phó của họ trong đợt tập trận lớn nhất từ thời Chiến tranh lạnh này là Nga, nhưng nhìn vào các kịch bản diễn tập, điều này rất rõ. Chẳng hạn, trong cuộc tập trận Dragon 24 khởi động ngày 26-2 tại Ba Lan, các binh sĩ NATO cùng thao tập kịch bản làm sao để di chuyển nhanh nhất có thể từ Tây Âu tới vùng biên giới giữa Ba Lan và Belarus để ngăn chặn lực lượng bên ngoài xâm nhập lãnh thổ của một nước đồng minh. Rõ ràng đây là viễn cảnh mà NATO lo ngại có thể xảy ra: Nga sẽ chiếm giữ vùng Suwalki Gap, một thung lũng hẹp kết nối Kaliningrad với lãnh thổ Nga và chia tách giữa các nước vùng Baltic với Ba Lan.

Hẳn nhiên “tâm thế” tập trận của NATO cũng rất rõ ràng với phía Nga. Đô đốc Sergey Avakyants, cựu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, bình luận với nhật báo Izvestia (Nga): “Trước đây thường là kịch bản với các cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào các quốc gia giả lập nào đó, nhưng giờ thì mọi thứ đều nhắm thẳng vào mục tiêu là tập dượt cho chiến dịch chống Nga, một điều mang tính công kích trắng trợn”.

Bên cạnh mục tiêu nâng cao năng lực cũng như tính sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng NATO, các cuộc tập trận quy mô lớn thời gian qua của liên minh quân sự này hẳn nhiên là để gửi thông điệp tới các đối thủ của họ. Đúng như ông Camille Grand, cựu trợ lý Tổng Thư ký NATO về đầu tư quốc phòng, phân tích với tờ Le Monde (Pháp): “Chúng tôi muốn cho các đối thủ của mình thấy được những gì chúng tôi có thể làm trong 24 giờ, 48 giờ và một tuần”.

Có một điều hẳn nhiều người chưa biết, cho mãi tới năm 2021, các nhà quan sát của Nga vẫn còn được mời tham gia chứng kiến các cuộc tập trận của NATO để rồi báo cáo về Nga những gì mà liên minh quân sự có thể làm. Và ngược lại, các nhà quan sát phương Tây cũng được phép theo dõi các cuộc tập trận của Nga trên quy mô tương tự. Tuy nhiên vài tháng trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine (2-2022), các hoạt động trao đổi như vậy đã bị tạm ngừng dù mỗi bên vẫn cho phép bên còn lại sử dụng máy bay do thám tiếp cận các cuộc tập trận của nhau.

Những động thái của NATO đương nhiên sẽ đối mặt với những phản ứng của Nga, và hệ quả kéo theo sẽ là tiếp tục thổi lửa và nối dài mối quan hệ căng thẳng giữa Nga với phương Tây. Báo cáo đánh giá nguy cơ an ninh quốc gia thường niên gần đây của tình báo Lithuanian nêu thông tin Điện Kremlin đang bắt tay vào cải tổ lực lượng vũ trang và sẽ mở rộng năng lực quân sự của Nga tại vùng Biển Baltic. Theo đó, những thay đổi về cấu trúc và các bộ phận phụ thuộc đã được khởi động, bao gồm ở vùng Kalinngrad và khu vực miền tây nước Nga. Thông tin tình báo có thể chính xác, có thể không, nhưng hẳn nhiên, trước những động thái tập trận phô trương sức mạnh của NATO ở những vùng gần hoặc giáp ranh biên giới lãnh thổ Nga, chuyện Nga có kế hoạch dự phòng sẽ là điều tất yếu.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.