Quốc tế

Quan hệ Mỹ - Ukraine bộc lộ bất đồng?

08:04, 11/03/2024 (GMT+7)

Mỹ và Ukraine đang bộc lộ một số bất đồng, sự thất vọng lẫn nhau và lo ngại quan hệ đồng minh này có thể bị mắc kẹt trong lối mòn trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine bước sang năm thứ ba với những diễn biến không dễ đoán định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) tiếp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng vào tháng 9-2023. Ảnh: EPA
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) tiếp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng vào tháng 9-2023. Ảnh: EPA

Bằng mặt mà không bằng lòng

Hiện, một trong những lý do khiến quan hệ Mỹ và đồng minh Ukraine nảy sinh bất đồng chính là việc Mỹ tỏ ra khó chịu với chiến thuật quân sự của Ukraine, trong khi Ukraine thất vọng với Mỹ về tình trạng khoản viện trợ tắc nghẽn. Theo New York Times, sự không hài lòng của Lầu Năm Góc xuất phát từ một vấn đề duy nhất và thường xuyên xảy ra, đó là: các chiến lược gia quân sự Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin, cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triển khai lực lượng tại những nơi mà Mỹ cho rằng thiếu giá trị chiến lược.

Do đó, giới quan sát nhận định, mức độ thất vọng của Mỹ đối với Ukraine càng thêm lớn dần, đặc biệt là ông Zelensky và giới lãnh đạo chính trị. Evelyn Farkas, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc về Ukraine và Nga, hiện là giám đốc điều hành của Viện McCain, cho rằng, Mỹ thất vọng vì Ukraine tiếp tục phớt lờ lời khuyên về mặt quân sự mà Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, Ukraine dường như thấy khó chịu khi bị “quản lý ở cả tầm vi mô”, hay nói cách khác là Ukraine không muốn thực hiện những việc mà Mỹ yêu cầu trong khi họ hoàn toàn có khả năng tự quyết định.

Ở chiều ngược lại, Ukraine ngày càng chán nản vì những bất đồng trên chính trường Mỹ đã dẫn đến tình trạng thiếu đạn dược cho quân đội Ukraine. Ngay cả thời điểm hiện tại khi Ukraine liên tiếp gặp nhiều khó khăn, giới chức nước này lại càng thêm nóng ruột khi dòng chảy viện trợ hào phóng mà Tổng thống Joe Biden từng hứa hẹn, dường như đang “giậm chân tại chỗ”. Cho đến nay, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua dự luật viện trợ khẩn cấp với hơn 60 tỷ USD cho Ukraine bất chấp ông Biden liên tục thúc giục, và chính tín hiệu không mấy khả quan này đang phần nào tác động đến năng lực quân sự của nước này.

Theo kế hoạch, gói viện trợ chẳng khác nào “phao cứu sinh” này sẽ cung cấp các loại đạn pháo và thiết bị đánh chặn phòng không rất cần thiết cho lực lượng Ukraine trong thời điểm hiện nay. Các quan chức và chuyên gia quân sự phương Tây cảnh báo rằng nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, nhiều khả năng Ukraine sẽ tiếp tục gặp thêm bất lợi trên thực địa.

Bên cạnh đó, Tổng thống Zelensky thường xuyên phàn nàn rằng chính quyền Biden chưa thực sự quyết đoán trong việc phê duyệt các hệ thống vũ khí tiên tiến vốn có thể vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga, từ máy bay chiến đấu đến tên lửa tầm xa.

Hiện, Lầu Năm Góc vẫn tổ chức các cuộc họp hằng tháng của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine để hối thúc các đối tác của Ukraine cung cấp tài chính và vũ khí. Dẫu vẫn cam kết đồng hành cùng nhau nhưng dường như cả Mỹ và Ukraine vẫn chưa thể tìm ra “cửa thoát hiểm” cho tình trạng căng thẳng nói trên.

Các nước phương Tây cũng đối mặt khác biệt

Sự bất đồng không chỉ nảy sinh trong quan hệ Mỹ - Ukraine mà còn xuất hiện giữa các nước đồng minh phương Tây. Nhà báo Sylvie Kauffmann của Le Monde nhận định, sự bế tắc trong cuộc xung đột ở Ukraine và lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về tạo “sự đột biến chiến lược” trong việc ứng phó với Nga, trong đó có ý tưởng điều quân NATO tới Ukraine, đang buộc các nước phương Tây phải đối mặt với những khác biệt sâu sắc khi rất nhiều nước chỉ trích ý tưởng này.

Trong phản ứng mới nhất, Phó Đại diện Thường trực của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky gần đây xác nhận Nga đã yêu cầu cơ quan này tổ chức phiên họp thảo luận ý tưởng của Tổng thống Macron về việc triển khai các binh sĩ của NATO tới Ukraine. Yêu cầu quan trọng không kém là làm rõ cuộc trao đổi bị rò rỉ giữa các sĩ quan Đức về việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, cũng như phương tiện truyền thông đưa tin Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đã triển khai mạng lưới các căn cứ gián điệp ở Ukraine, gần với biên giới Nga.

Dễ dàng nhận thấy, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nước láng giềng Ba Lan là một trong những nước ủng hộ hàng đầu của Ukraine nhưng sự nhiệt thành hiện dần phai nhạt sau hai năm. Những bất đồng về lợi ích kinh tế khiến mối quan hệ Ukraine - Ba Lan nảy sinh thêm căng thẳng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wladysław Kosiniak-Kamysz khẳng định nước này sẽ không đưa quân tới Ukraine. Trong khi đó, các cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan phản đối chính sách môi trường của EU và ngũ cốc Ukraine tăng nhiệt đặt giới chức Ba Lan vào thế khó và phải tính toán làm sao để xoa dịu sự tức giận của công chúng.

Truyền thông đang dồn sự chú ý vào quan điểm của Giáo hoàng Francis về xung đột Nga-Ukraine. Theo Reuters, trong cuộc phỏng vấn được ghi hình hồi tháng trước với Đài phát thanh và truyền hình RSI (Thụy Sĩ) và dự kiến được phát sóng vào ngày 20-3, Giáo hoàng Francis hối thúc Ukraine nên can đảm “giương cờ trắng” và đàm phán chấm dứt xung đột với Nga vốn kéo dài hơn 2 năm. Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng sử dụng thuật ngữ như “cờ trắng” khi nói về xung đột ở Ukraine.

THƯ LÊ

.