Đà Nẵng cuối tuần
Thế giới thất thu thuế từ giới siêu giàu
Nếu các chính phủ thực thi việc đánh thuế toàn cầu đối với các tỷ phú thì có thể mang lại nguồn thu 250 tỷ USD mỗi năm. Song, việc áp thuế không đơn giản do các tỷ phú di chuyển nhiều nơi và phải đóng nhiều khoản thuế khác nhau.
Nhiều người đòi “đánh thuế đối với người giàu” trong cuộc biểu tình ở thủ đô Paris (Pháp) ngày 24-2-2024. Ảnh: AFP/Getty Images |
Không phải bây giờ các quan chức tài chính của các nền kinh tế giàu có và đang phát triển hàng đầu thế giới (G20) mới bắt đầu thảo luận về mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỷ phú, mà vấn đề giới siêu giàu chỉ phải trả thuế thu nhập rất thấp đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Nguyên nhân do những lỗ hổng pháp lý tạo điều kiện cho những người siêu giàu lách thuế bằng cách chuyển tài sản từ nước này sang nước khác…
Người siêu giàu đóng thuế chỉ 0,5%
Theo Cơ quan Giám sát thuế của Liên minh châu Âu (EU) có trụ sở tại Paris (Pháp), những người siêu giàu ở các nước lớn đóng thuế ít hơn nhiều so với người có thu nhập bình thường. Thậm chí, tài sản của giới siêu giàu hầu như không bị đánh thuế, với mức thuế suất thực tế chỉ 0-0,5%. Tại Pháp - nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, tỷ lệ này bằng 0.
Trong một báo cáo hồi năm ngoái, Cơ quan Giám sát thuế của EU đã đề xuất mức thuế 2% hằng năm đối với tài sản của những cá nhân giàu nhất thế giới. Cơ quan này ước tính mức thuế tối thiểu toàn cầu đánh vào các tỷ phú có thể mang lại 250 tỷ USD mỗi năm. Số tiền bị đánh thuế sẽ chỉ tương đương 2% trong khối tài sản gần 13.000 tỷ USD thuộc sở hữu của hơn 2.700 tỷ phú trên toàn cầu.
Tổ chức Oxfam vừa công bố báo cáo cho hay, tại các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Brazil…, những người siêu giàu trả mức thuế thực tế thấp hơn so với người lao động trung bình. Trong đó, gần 80% số tỷ phú của thế giới đang sống ở các nước G20.
Có mặt tại thành phố Sao Paulo (Brazil) trong những ngày qua, Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad và người đồng cấp Pháp Bruno Le Maire bày tỏ quan điểm ủng hộ việc áp thuế toàn cầu đối với giới siêu giàu nhằm giải quyết tình trạng trốn thuế tràn lan. Ông Haddad cho rằng, việc trốn thuế có thể được giải quyết thông qua hợp tác quốc tế để “số ít cá nhân này đóng góp cho xã hội và cho sự phát triển bền vững của hành tinh”. Trong khi đó, ông Le Maire nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn châu Âu thực hiện ý tưởng đánh thuế cá nhân tối thiểu này càng nhanh càng tốt và Pháp sẽ đi đầu”.
Brazil hiện giữ chức Chủ tịch G20. Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đặt các vấn đề liên quan đến thế giới đang phát triển như giảm bất bình đẳng và cải cách các thể chế đa phương vào trọng tâm chương trình nghị sự của nước này. Tuy nhiên, các quan chức Brazil không lạc quan khả năng G20 sẽ đạt được một tuyên bố về thuế quốc tế trong năm nay.
Điểm khởi đầu của con đường
Thỏa thuận năm 2021 giữa 140 quốc gia và vùng lãnh thổ về việc áp mức thuế tổi thiểu doanh nghiệp là 15% trên toàn cầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 được cho là một bước tiến vượt bậc. Thỏa thuận này nêu rõ: Nếu lợi nhuận của một công ty đa quốc gia bị áp thuế dưới 15% ở một nước, các quốc gia khác có thể áp mức thuế bổ sung để bảo đảm mức thuế tối thiểu mà công ty đó phải nộp là 15%. Cơ quan Giám sát thuế của EU - nhà kinh tế học Gabriel Zucman nói rằng, bước tiếp theo sẽ áp dụng đối với các tỷ phú, chứ không chỉ cho các công ty đa quốc gia và các chế độ thuế chắp vá hiện nay không đánh thuế đúng cách những cá nhân có khả năng nộp thuế cao nhất.
Theo Giáo sư kinh tế Arun Advani tại Đại học Warwick (Anh), việc đặt ra mức thuế toàn cầu đối với các tỷ phú sẽ phức tạp hơn việc thực hiện so với áp thuế các tập đoàn. Ông Advanil lý giải: Các công ty đa quốc gia có chi nhánh ở nhiều nước và dễ dàng xác định nước nào có quyền đánh thuế. Các bên liên quan có thể dễ đánh giá công ty đó có trả đủ mức thuế tối thiểu toàn cầu hay không. Song, các tỷ phú thường di chuyển giữa các nước và có tài sản ở nhiều nơi nên sẽ khó xác định nước nào có quyền đánh thuế họ.
Thêm vào đó, những người siêu giàu đã lách thuế bằng cách chuyển tài sản sang các quốc gia/vùng lãnh thổ được xem là “thiên đường thuế” (tax haven) như Ireland, Hà Lan, Luxembourg, Quần đảo Virgin (Anh)…
Tháng 1-2024, hơn 250 tỷ phú và triệu phú đã gửi thư ngỏ mang tên “Proud to Pay” (Tự hào chi trả) cho lãnh đạo các nước tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), kêu gọi được đánh thuế tài sản để giúp cải thiện dịch vụ công toàn cầu. Một cuộc khảo sát do báo The Guardian công bố cũng cho hay, 74% những người siêu giàu (có nguồn vốn đầu tư lưu động khoảng 1 triệu USD, không bao gồm bất động sản) ủng hộ việc tăng thuế tài sản.
Tuy nhiên, các quan chức tài chính của G20 cho rằng, con đường tăng thuế đối với giới siêu giàu sẽ không bằng phẳng. “Đây chỉ là sự khởi đầu của con đường”, ông Quentin Parrinello - cố vấn chính sách cấp cao tại Cơ quan Giám sát thuế EU nhấn mạnh.
Theo nhà kinh tế học Gabriel Zucman, một ngày nào đó chúng ta sẽ thức dậy và chương trình phát thanh buổi sáng chủ đề hàng đầu sẽ là các quốc gia đạt được thỏa thuận về mức thuế tối thiểu đối với người siêu giàu. “Tôi khá tự tin về điều này. Nhưng thật khó để biết chặng đường đó là 1 năm, 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa”, ông nói thêm.
KHÁNH LINH (theo CNN, The Guardian, Reuters)