Quốc tế

Taxi bay - tương lai của giao thông đô thị?

09:15, 02/03/2024 (GMT+7)

Giới chuyên gia nhận định các phương tiện vận tải bay chạy điện sẽ trở nên phổ biến vào cuối thập kỷ này do nhu cầu tăng cao của taxi, cứu thương và giao hàng.

Tuần qua, tại triển lãm hàng không ở Singapore (Singapore Airshow), bên cạnh những màn chào sân hoành tráng, hấp dẫn của nhiều dòng máy bay quân sự, máy bay dân dụng và các thiết bị hàng không công nghệ cao, công chúng cũng đặc biệt quan tâm tới sự xuất hiện của các mẫu xe điện bay có kích thước nhỏ có khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại đa dạng trong thành phố.

Linh hoạt, tiện dụng

Các phương tiện chạy điện có khả năng cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng (tên viết tắt bằng tiếng Anh là “eVTOL”) có thể được sử dụng đa mục đích, từ làm taxi, vận chuyển hàng hóa cho tới phương tiện cấp cứu hay đơn giản chỉ là phương tiện đi lại cá nhân.

Tham gia Singapore Airshow năm nay có ba trong số những tên tuổi lớn nhất đang góp mặt trong lĩnh vực phát triển eVTOL là công ty Supernal thuộc tập đoàn Hyundai Motor (Hàn Quốc), công ty Wisk của Boeing (Mỹ) và công ty Eve Air Mobility của Embraer (Brazil). Cả ba ông lớn này đều đang trong lộ trình thương mại hóa các eVTOL vào cuối thập niên này. Họ nhìn nhận dịch vụ taxi bay cho chặng bay ngắn trong các thành phố sẽ là một trong những tiềm năng ứng dụng đầu tiên đáng chú ý nhất của eVTOL.

“Đó sẽ là một cách di chuyển khác thay cho việc chỉ đi từ sân bay tới khu vực trung tâm nhưng bạn bị mắc kẹt trong xe hơi của mình tới hai tiếng đồng hồ… sẽ có lựa chọn thay thế có thể chạy hoàn toàn bằng điện”, ông Johann Bordais, Giám đốc điều hành của Eve Air Mobility hào hứng chia sẻ với CNBC. Eve Air Mobility đang thử nghiệm một mẫu taxi bay và dự định đưa vào khai thác từ năm 2026.

“Chúng tôi có thể sử dụng ngay hạ tầng mà các nhà cung cấp dịch vụ trực thăng đang sử dụng”, ông Jaiwon Shin, Giám đốc điều hành Supernal nói. Dù các dịch vụ này có thể bắt đầu triển khai trước tại khu vực đô thị nhưng họ sẽ dần mở rộng thêm lộ trình đến những thành phố vệ tinh. Mẫu eVTOL có tên S-A2 của Supernal ra mắt đầu năm nay được thiết kế để chở 4 khách và một phi công, dự kiến ra mắt thị trường vào năm 2028. Công ty Wisk của Boeing cũng đang phát triển loại máy bay tự lái với tính năng tương tự như của Supernal.

Cùng với phát triển những mẫu eVTOL mới, nhà phát triển eVTOL của Đức Lilium (do Tencent hậu thuẫn) nhanh nhạy thông báo tại Singapore Airshow rằng họ đã triển khai tổ chức dịch vụ khách hàng dành riêng cho ngành công nghiệp eVTOL với các dịch vụ như quản lý pin, bảo dưỡng và hỗ trợ chuyến bay.

Hướng tới châu Á

Các công ty nói trên sẽ nỗ lực lấy được các chứng chỉ về quản lý cũng như an toàn tại Mỹ để có thể “kích hoạt” các dịch vụ của eVTOL trong nước. Bà Catherine MacGowan, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các hoạt động bay tại Wisk cho biết, công ty dự kiến thâm nhập thị trường Mỹ vào cuối thập niên này. Ngoài ra, Wisk đã đàm phán với chính quyền tại Brisbane (bang Queensland, Úc) để thiết lập mạng lưới vận hành eVTOL. “Chúng tôi đang hướng tới việc thiết lập và phát triển mạng lưới vận chuyển tại Brisbane và các thành phố lân cận trước khi diễn ra Thế vận hội. Điều đó thật sự phấn khích”, bà MacGowan nói. Brisbane sẽ đăng cai Olympic 2032.

Wisk đã hợp tác với hãng hàng không Japan Airlines để mở rộng các hoạt động của eVTOL tại Nhật cũng như nhiều nước châu Á khác. Châu Á được đánh giá là thị trường tiềm năng rất lớn của dịch vụ eVTOL. Supernal cũng đang nhắm tới mở rộng thị trường vào Hàn Quốc với sự bảo trợ của tập đoàn ô-tô Hyundai Motor Group. Năm ngoái, hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc là Korean Air ký hợp đồng với Supernal để phát triển hạ tầng cần thiết cho vận tải trên không ở đô thị, cũng như để thương mại hóa mẫu xe eVTOL của Supernal tại Hàn Quốc.

Trung Quốc thử nghiệm thành công chuyến bay vượt biển bằng eVTOL
Công ty AutoFlight, nhà tiên phong phát triển eVTOL của Trung Quốc - đã vừa thực hiện thành công chuyến bay bằng eVTOL đầu tiên trên thế giới giữa hai thành phố. Chuyến bay cất cánh ngày 27-2 từ cảng du lịch Xà Khẩu (Shekou) ở Thâm Quyến đến nhà chờ cảng Cửu Châu (Jiuzhou) ở Chu Hải. Khoảng cách ngắn nhất giữa hai nơi này chưa tới 5km, nhưng nếu đi bằng ô-tô có thể mất từ 2-3 tiếng. Chuyến bay cung cấp lựa chọn nhanh hơn cho các hành khách thường xuyên phải đi lại giữa hai thành phố này khi rút ngắn lộ trình vượt biển xuyên thành phố chỉ còn 20 phút. Chiếc eVTOL của AutoFlight được thiết kế để chở tối đa 5 người với tốc độ lên tới 200km/h và nó có thể bay được 250km với mỗi lần sạc điện. Đó là chiếc eVTOL duy nhất trên thế giới có được tầm bay xa như vậy hiện nay.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.