Quốc tế
Indonesia cân bằng quan hệ với các nước lớn ở châu Á
Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto có chuyến công du đến Nhật Bản từ ngày 2 đến 3-4, ngay sau cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 1-4. Ông Prabowo muốn thúc đẩy cũng như cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc của châu Á.
Tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh
Theo Tân Hoa xã, tại cuộc gặp ngày 1-4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, nước này sẵn sàng tăng cường hợp tác chiến lược các mặt với Indonesia, cũng như duy trì liên hệ chặt chẽ, thúc đẩy các dự án kinh tế khu vực và duy trì hợp tác hàng hải. Trung Quốc và Indonesia nên hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình. Về phần mình, ông Prabowo tuyên bố ủng hộ phát triển mối quan hệ gần gũi hơn, cũng như tiếp tục thúc đẩy chính sách thân thiện hơn với Trung Quốc của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại và xóa đói giảm nghèo.
Trung Quốc là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Indonesia với hàng tỷ USD được đầu tư vào các dự án tại “quốc gia vạn đảo”. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư khai thác tài nguyên của Indonesia, trong đó có nickel. Năm ngoái, Indonesia khánh thành tuyến đường sắt Jakarta-Bandung - dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á. Đây là dự án trị giá hàng tỷ USD có sự hợp tác của Trung Quốc.
Trong khi đó, theo Nikkei Asia, tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, ông Prabowo muốn tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh sâu sắc hơn với Nhật Bản. “Chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ hợp tác và trong tương lai tôi muốn tăng cường điều đó”, ông Prabowo cho biết. Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Kishida cho biết: “Trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, với tư cách là những đối tác xuất sắc, chúng tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ và hợp tác song phương trong các vấn đề khu vực và quốc tế”.
Duy trì chiến lược cân bằng ngoại giao
Theo Nikkei Asia, các chuyên gia cho rằng chuyến thăm của Tổng thống đắc cử Prabowo là một phần nỗ lực nhằm cân bằng ngoại giao của Indonesia giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ông Jun Honna, Giáo sư Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) và là chuyên gia về chính trị Indonesia, nhận định: “Ông Prabowo muốn gửi thông điệp về việc coi Nhật Bản là đối tác quan trọng sánh ngang với Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, mục đích chính của chuyến thăm này là cập nhật thỏa thuận an ninh Nhật Bản-Indonesia ký kết vào năm 2021 về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Ông Honna cũng cho rằng, ông Prabowo sẽ ưu tiên các vấn đề an ninh và giữ khoảng cách với Trung Quốc hơn so với Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo - người vốn ưu tiên mối quan hệ kinh tế.
Nikkei Asia dẫn lời ông Dandy Rafitrandi, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Jakarta cho biết, thông qua chuyến đi, ông Prabowo muốn thể hiện quan điểm rằng Indonesia không có đối tác kinh tế ưu tiên mà sẽ mở cửa cho tất cả các nhà đầu tư. Trong thập niên qua, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản, trở thành nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 2 vào các dự án ở Indonesia. Các chuyên gia đã chỉ ra khả năng mở rộng hợp tác giữa Indonesia và Nhật Bản trong chuyển đổi năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng giao thông và thủ đô mới Nusantara.
Trong thập kỷ cầm quyền của mình, Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo đã củng cố mối quan hệ với Nhật Bản để thu hút đầu tư và đạt được tiến bộ rõ rệt trong việc phát triển cơ sở hạ tầng chung, bao gồm cảng nước sâu Patimban và tàu điện ngầm MRT Jakarta. Trong các chiến dịch bầu cử, ông Prabowo nhiều lần cam kết kế thừa các chính sách của ông Widodo.
NGHI VĂN