Quốc tế

Thủ tướng Israel trước sức ép chưa từng có

07:45, 02/04/2024 (GMT+7)

Giữa lúc chiến sự ở Gaza tăng nhiệt, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải trải qua phẫu thuật xử lý tình trạng thoát vị. Tuy nhiên, đây không hẳn là vấn đề đáng lo nhất bởi ông Netanyahu đang chịu đòn áp lực kép rất lớn khi sự phẫn nộ của người dân dâng cao trong khi các đồng minh lần lượt quay lưng với chiến dịch tấn công lớn ở miền nam Gaza.

Những người biểu tình kêu gọi Chính phủ Israel đạt thỏa thuận ngừng bắn để giải thoát những người bị Hamas giam giữ ở Gaza, đồng thời kêu gọi bầu cử sớm.  Ảnh: AFP
Những người biểu tình kêu gọi Chính phủ Israel đạt thỏa thuận ngừng bắn để giải thoát những người bị Hamas giam giữ ở Gaza, đồng thời kêu gọi bầu cử sớm. Ảnh: AFP

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Israel Yariv Levin sẽ tạm nắm quyền điều hành Chính phủ Israel trong thời gian ông Netanyahu tiến hành phẫu thuật.

Biểu tình lớn nhất từ trước đến nay

Từ ngày 31-3 đến 2-4, khoảng 100.000 người tập trung biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội Israel ở thành phố Jerusalem, để kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chức và tổ chức tổng tuyển cử thành lập chính phủ mới có khả năng tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với lực lượng Hamas. Đây là cuộc biểu tình phản đối Chính phủ lớn nhất tại nước này kể từ khi xung đột nổ ra ở dải Gaza vào đầu tháng 10-2023.

Theo Euronews, nhiều lãnh đạo phe đối lập tại Israel tuyên bố ủng hộ chiến dịch biểu tình và đưa ra nhiều phát ngôn mang nội dung công kích mạnh mẽ nhằm vào Thủ tướng Netanyahu. Những người biểu tình đổ lỗi cho ông Netanyahu và cho rằng, những chia rẽ sâu sắc về chính trị liên quan những nỗ lực về tư pháp của ông trong năm qua đã làm suy yếu Israel trước khi diễn ra cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10-2023. Họ còn cáo buộc ông Netanyahu đã làm ảnh hưởng tới quan hệ với Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Israel. Ngoài ra, một số người chỉ trích nhà lãnh đạo này đang quá quan tâm đến sinh mệnh chính trị của mình hơn là lợi ích quốc gia, và chưa kể đến việc ông cũng đang phải đối mặt với các phiên tòa xét xử hàng loạt cáo buộc tham nhũng.

Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ phe đối lập và người biểu tình, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ không tiến hành tổng tuyển cử trong bổi cảnh hiện nay vì điều này sẽ chỉ khiến chính quyền Israel bị tê liệt trong vòng 6-8 tháng và chỉ có lợi cho Hamas.

Trước khi bước vào cuộc phẫu thuật, Thủ tướng Netanyahu phê duyệt kế hoạch hành động cho đợt tấn công mới vào miền nam Gaza, với trọng tâm là thành phố Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của hàng triệu người Palestine lánh nạn khỏi các cuộc tấn công của Israel. Quân đội Israel đã chuẩn bị sơ tán và hỗ trợ nhân đạo cho dân thường trước khi mở tấn công. RT dẫn lời ông Netanyahu thông báo: “Chúng tôi sẽ tiến vào Rafah vì lý do đơn giản: sẽ không có chiến thắng nếu không tiến vào Rafah và loại bỏ các tiểu đoàn Hamas ở đó”.

Theo giới quan sát, kế hoạch mở chiến dịch tấn công bộ binh quy mô lớn vào thành Rafah là bước đi đầy rủi ro cho ông Netanyahu và nội các thời chiến của Israel nhằm đạt mục tiêu kép gồm vừa giải cứu toàn bộ các con tin còn lại để xoa dịu dư luận trong nước, đồng thời tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas.
Chính phủ Israel đang đơn độc?

Bài bình luận đăng ngày 31-3 trên tờ Guardian (Anh) cho biết, các đồng minh lần lượt quay lưng với chiến dịch dài hơi, tiêu hao và mạo hiểm của Israel ở Dải Gaza khi họ ngày càng lo ngại về các hành vi quân sự của quân đội Israel cũng như tính hợp pháp của chúng khi thương vong ở Gaza đã vượt mốc 32.000 người chết và nạn đói đang rình rập. Guardian đưa ra thông điệp đã rất rõ ràng rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực sự hết kiên nhẫn với Thủ tướng Netanyahu. Ông Biden không còn sẵn sàng để đánh đổi uy tín của Mỹ trên trường quốc tế với nỗ lực bảo vệ Chính phủ Israel, nhất là trong bối cảnh dư luận quốc tế phản đối gay gắt và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang cận kề. Lá phiếu trắng vừa qua của Mỹ tại cuộc bỏ phiếu nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza thể hiện rõ điều này.

Trong thời gian gần đây, có những dấu hiệu cho thấy các nước phương Tây khác đang thay đổi lập trường của mình, ít nhất là về diễn ngôn khi dần chuyển sang chỉ trích Israel nhiều hơn. Đơn cử, tuần trước, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố nước này sẽ cử phái đoàn đến Israel để nhắc nhở việc tuân thủ các nghĩa vụ theo công ước Geneva, đồng thời cảnh báo nước này không tiến hành tấn công thành phố Rafah. Điều này cho thấy sự đổi giọng bất ngờ của Đức, quốc gia từng là nhà cung cấp vũ khí và hỗ trợ lớn thứ hai cho Israel, sau Mỹ.

Tuần này, các quan chức Israel sẽ tới Washington (Mỹ) để thảo luận một số giải pháp thay thế và lựa chọn khả thi về cách quân đội Israel có thể tiêu diệt các mối đe dọa mà không phải hy sinh sự an toàn và an ninh của dân thường. Tuy nhiên, theo giới quan sát, rất khó để Mỹ thuyết phục Israel “quay xe” với mục tiêu tấn công ở Rafah bởi các quan chức Mỹ cho biết: “Israel là quốc gia có chủ quyền. Chúng tôi sẽ không can thiệp vào kế hoạch quân sự của họ, nhưng chúng tôi sẽ phác thảo kế hoạch tổng quát để đạt các mục tiêu tốt hơn”.

THƯ LÊ

.