Quốc tế

Nhiễu động nguy hiểm hơn do biến đổi khí hậu

07:50, 29/05/2024 (GMT+7)

Liên tiếp các chuyến bay gặp vùng nhiễu động khiến hành khách bị thương trong thời gian gần đây tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ của hiện tượng này đối với an toàn bay. Giới khoa học nhận diện những khu vực dễ gặp nhiễu động và đường bay hay gặp sự cố ở mức độ mạnh nhất trên thế giới.

Theo Reuters, ngày 26-5, sau khi khởi hành từ thủ đô Doha (Qatar) tới Dublin (Ireland) và bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc Boeing 787 Dreamliner của Qatar Airways bất ngờ gặp vùng nhiễu động không khí và hẫng xuống thư thể “rơi khỏi bầu trời” trong khoảng 20 giây, khiến 12 hành khách và thành viên phi hành đoàn bị thương. Đáng chú ý, sự việc này xảy ra chỉ 5 ngày sau khi chuyến bay của Singapore Airlines từ London (Anh) đến Singapore buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Bangkok do gặp vùng nhiễu động nghiêm trọng khiến một hành khách người Anh thiệt mạng do lên cơn đau tim và 20 người bị thương.

Sau những sự cố đáng tiếc này, các nhà khoa học tiết lộ những yếu tố đằng sau các vùng nhiễu động khiến các máy bay gặp nạn. The Guardian dẫn lời Tiến sĩ Guido Carim Jr tại Đại học Griffith (Úc) cho biết, nhìn chung có thể xảy ra nhiễu loạn trên các ngọn núi cao, đại dương, đường xích đạo và khi đi vào các luồng phản lực. Tuy nhiên, nhiễu loạn không khí - thường do sự thay đổi hướng gió rất đột ngột - rõ ràng có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Cựu phi công này cũng cho biết, các yếu tố cực kỳ phức tạp tương tác với nhau để tạo ra sự hỗn loạn, chẳng hạn như cháy rừng. Công nghệ radar để phát hiện nhiễu động đang được cải thiện song hiện nay, phi công vẫn không thể dự đoán hoàn toàn chính xác hiện tượng này sẽ xảy ra ở đâu và khi nào. Độ ẩm và nhiệt độ cao có xu hướng làm cho nhiễu loạn mạnh hơn. Vì vậy, các đường bay như từ London (Anh) đến New York (Mỹ) trong những tháng hè có thể sẽ “gập ghềnh” hơn so với bay cùng tuyến đường vào tháng 12. Đáng chú ý, các luồng khí mạnh được gọi là “nhiễu động trời trong” khó tránh nhất vì nó không hiển thị trên radar thời tiết. Loại nhiễu động này cũng khó dự đoán chính xác khi nào nó xảy ra vì hầu hết các thiết bị dự đoán thời tiết đều không thể tính toán được.

Thang dự báo nhiễu động của Turbli của Thụy Điển sử dụng dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ và Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh, đưa ra danh sách các đường bay hỗn loạn nhất thế giới năm 2023, gồm: Santiago (Chile) - Santa Cruz (Bolivia); Almaty (Kazakhstan) - Bishkek (Kyrgyzstan); Lan Châu - Thành Đô (Trung Quốc); Chubu - Sendai (Nhật Bản); Milan (Ý) - Geneva (Thụy Sĩ); Milan - Zurich (Thụy Sĩ). Theo trang này, các nơi hay xuất hiện nhiễu động nhiều nhất vào tháng 4 là Polynesia thuộc Pháp, Fiji, Pakistan, Namibia và Uruguay. Trong khi đó, Nam Thái Bình Dương là sở hữu “danh hiệu” vùng biển dẫn đầu thế giới về nhiễu động. Số liệu của Cục An toàn Giao thông Úc cho thấy, năm 2023 có 3.047 sự cố máy bay thương mại toàn cầu. Trong số đó, 236 vụ là do thời tiết. Từ đầu năm 2024, 790 sự cố đã xảy ra, trong đó có 52 vụ do thời tiết.

Vậy có mối liên hệ nào giữa sự cố của Qatar Airways và Singapore Airlines không? The Guardian dẫn lời Milton Speer, chuyên gia khí tượng học tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết, nếu hai chuyến bay nói trên ở cùng một khu vực khi gặp nhiễu loạn, chúng có thể bị ảnh hưởng bởi cùng một yếu tố khí tượng. Thực tế hai chuyến bay cách nhau hàng nghìn km khi gặp sự cố và không có dấu hiệu của hiện tượng khí quyển hoặc khí tượng rõ ràng nào kết nối hai trường hợp này.  Tuy nhiên, các sự cố nhiễu động nghiêm trọng tăng 55% trong giai đoạn 1979 - 2020. CNBC dẫn lời Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Mỹ Pete Buttigieg cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những thủ phạm làm gia tăng tình trạng nhiễu động không khí. The Independent dẫn lời các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu làm gia tăng mức độ nguy hiểm của nhiễu động trời trong. Cụ thể, biến đổi khí hậu tác động đến tốc độ gió ở tầng thượng quyển.

Liên đoàn Phi công Hàng không Úc khuyến cáo tất cả thành viên phi hành đoàn và hành khách phải thắt dây an toàn trong suốt chuyến bay, dù ngắn hay dài, kể cả khi máy bay đang bay ở độ cao dưới 1.000 feet, theo quy định hàng không dân dụng. Ngay cả khi đèn tín hiệu yêu cầu thắt dây an toàn trên máy bay đã tắt, hành khách vẫn nên thắt dây an toàn.

THƯ LÊ

.