Quốc tế

Sóng gió mới trên chính trường Thái Lan

08:36, 27/05/2024 (GMT+7)

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đối mặt nguy cơ bị cách chức sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan thụ lý đơn khiếu nại của 40 thượng nghị sĩ đề nghị bãi nhiệm ông do tranh cãi liên quan đến việc bổ nhiệm nhân sự nội các.

Theo Reuters, quyết định của Tòa án Hiến pháp Thái Lan diễn ra sau khi ông Srettha bổ nhiệm ông Pichit Chuenban, cựu luật sư có tiền án làm Chánh Văn phòng Thủ tướng trong đợt cải tổ nội các gần đây. Đơn khiếu nại được ký tên bởi nhóm 40 thượng nghị sĩ, cho rằng Thủ tướng Thái Lan đã vi phạm Hiến pháp khi bổ nhiệm một người thiếu sự trong sạch và các tiêu chuẩn đạo đức hiến định cho vị trí bộ trưởng. Các thượng nghị sĩ này đặt ra câu hỏi rằng liệu tư cách của ông Srettha và ông Pichit Chuenban có thể bị chấm dứt theo Mục 170 của Hiến pháp liên quan đến các tiêu chuẩn về đạo đức của một bộ trưởng nội các hay không.

Năm 2008, ông Pichit và hai đồng nghiệp bị Tòa án Tối cao Thái Lan tuyên án 6 tháng tù sau khi bị kết án tội cố ý hối lộ các quan chức Tòa án Tối cao, thông qua việc đưa cho họ một hộp cơm trưa có túi giấy chứa 2 triệu baht (hơn 54.000 USD) tiền mặt. Sau vụ việc này, ông Pichit bị đình chỉ giấy phép hành nghề luật sự trong 5 năm. Những người chỉ trích chính phủ cho rằng, ông Pichit được bổ nhiệm vào nội các do có mối quan hệ thân cận với gia đình hai cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra trong nhiều năm. Ông từng là luật sư đại diện cho anh em nhà Shinawatra trong nhiều vụ án lớn chống lại hai cựu chính khách này. Tuy nhiên, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke bác bỏ cáo buộc của các thượng nghị sĩ; đồng thời cho biết chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng trình độ chuyên môn của ông Pichit và tự tin sẽ có thể bảo vệ quyết định bổ nhiệm người này với tòa.

Theo Reuters, ông Pichit đã đệ đơn từ chức nhằm góp phần giúp ông Srettha dễ dàng vượt qua vụ kiện hơn. Trước mắt, ông Srettha sẽ không bị đình chỉ công tác cho đến khi tòa án đưa ra phán quyết bất lợi về phía ông. Bản thân ông Pichit khẳng định động thái của nhóm thượng nghị sĩ trên là kế hoạch chính trị nhằm loại bỏ ông Srettha. Ông Pichit cho rằng nếu thật sự nhóm chính khách trên có vấn đề với việc bổ nhiệm ông thì họ sẽ chỉ nộp khiếu nại chống lại một mình ông. Cựu bộ trưởng này cũng cho biết cả Văn phòng Thư ký Thủ tướng Thái Lan, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Ủy ban phòng chống tham nhũng quốc gia và Ban Hành pháp đều đã kiểm tra lý lịch và cho rằng ông đạt tiêu chuẩn làm bộ trưởng. Ngay sau khi đơn khiếu nại trên được thụ lý, người phát ngôn chính phủ Chai Wacharonke cho biết Thủ tướng sẽ tuân thủ yêu cầu của tòa án và sẽ nộp lý lẽ bào chữa trong 15 ngày tới.

Động thái của Tòa án Hiến pháp có thể coi là đòn giáng mạnh vào chính quyền của Thủ tướng Srettha trong bối cảnh có đến ba bộ trưởng xin từ chức trong vài tuần qua. Chính phủ Thái Lan đang tìm cách khắc phục tình trạng trì trệ kinh tế khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này  tăng 1,5% trong 3 tháng đầu năm, mức thấp nhất trong số các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thái Lan cũng đứng ở vị trí cuối cùng trong danh sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ASEAN năm 2023, với 2,96 tỷ USD.

Trong khi đó, theo Bangkok Post, bà Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo đảng Pheu Thai cầm quyền, bày tỏ tin tưởng rằng Tòa án Hiến pháp sẽ ra phán quyết có lợi cho Thủ tướng Srettha. “Sẽ không có chuyện gì với Thủ tướng. Ông ấy sẽ tiếp tục nỗ lực để xử lý các vấn đề kinh tế đang ảnh hưởng tới người dân”, bà Paetongtarn cho biết. Bà Paetongtarn cũng nói thêm bà chưa sẵn sàng trở thành Thủ tướng. Nếu ông Srettha bị miễn nhiệm, Thái Lan cần thành lập chính phủ mới. Khi đó đảng Pheu Thai trong liên minh cầm quyền phải đề cử một ứng viên mới cho chức Thủ tướng và ứng viên này cần được quốc hội bỏ phiếu tán thành. Ứng viên sẽ phải nhận được số phiếu ủng hộ quá bán từ 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ trong quốc hội để trở thành tân thủ tướng.

NGHI VĂN

.