Quốc tế

Lở đất gây thương vong lớn ở Papua New Guinea

07:45, 28/05/2024 (GMT+7)

Hơn 2.000 người có thể đã bị chôn vùi trong vụ lở đất ở Papua New Guinea hồi tuần trước, trong khi địa hình nguy hiểm đang cản trở công tác tìm kiếm, cứu hộ. Quốc gia này kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Theo AP, trong thư gửi điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 26-5, Luseta Laso Mana, quyền giám đốc Trung tâm Thảm họa quốc gia Papua New Guinea, cho biết, cho đến nay vụ lở đất đã chôn sống hơn 2.000 người và gây sự tàn phá lớn tại làng Yambali ở tỉnh Enga. Con số mà chính phủ Papua New Guinea đưa ra cao gần gấp ba lần ước tính mà ông Serhan Aktoprak, trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại nước này ước tính là 670 người. Con số này dựa trên tính toán của các quan chức tỉnh Enga rằng hơn 150 ngôi nhà đã bị chôn vùi trong vụ lở đất. Theo ông Aktoprak, nhận định tác động của vụ lở đất này lớn hơn nhiều so với đánh giá ban đầu và số người thiệt mạng có thể còn thay đổi trong những ngày tới.

Văn phòng của Thủ tướng Papua New Guinea James Marape ngày 27-5 chưa đưa ra câu trả lời yêu cầu giải thích về con số thương vong. Việc xác định số người thương vong trong thảm họa là rất khó khăn vì các điều kiện thực địa đầy thách thức như vị trí xa xôi của ngôi làng, hệ thống viễn thông chưa phủ sóng... Vụ lở đất cũng khiến tuyến đường cao tốc chính dẫn đến Enga bị tắc nghẽn hoàn toàn, gây trở ngại lớn cho công tác cứu trợ.

Theo Reuters, vụ lở đất xảy ra tại làng Kaokalam nằm ở tỉnh Enga, cách thủ đô Port Moresby khoảng 600km về phía bắc vào ngày 24-5. Chưa rõ nguyên nhân lở đất song các quan chức địa phương cho biết, lở đất xảy ra sau khi có mưa lớn kéo dài nhiều tuần và tình trạng ẩm ướt ở khu vực. Hơn 72 giờ sau vụ lở đất, người dân vẫn sử dụng thuổng, gậy và tay trần cố gắng di chuyển đất đá để tiếp cận những người sống sót. Thiết bị hạng nặng và hàng viện trợ đến chậm do ngôi làng nằm ở vị trí xa xôi.

Một máy xúc do một công ty xây dựng địa phương tặng trở thành thiết bị múc đất hạng nặng đầu tiên được đưa đến để giúp đỡ dân làng tìm thi thể. Ông Mana cho biết công tác cứu hộ vẫn rất khó khăn do địa chất tại khu vực không ổn định, các vụ lở đất có nguy cơ tái diễn, gây nguy hiểm cho đội cứu hộ cũng như những người sống sót. Người dân làng đang tranh cãi về việc có nên cho phép máy móc hạng nặng đào đất lên hay không vì có khả năng gây hại thêm cho thi thể của những người thân của họ đang bị chôn vùi.

Ngày 26-5, Bộ trưởng Quốc phòng Papua New Guinea Billy Joseph đến Yambali để xem xét tình hình. Tại Yambali, ông Joseph trao cho quan chức địa phương một tấm séc trị giá 500.000 kina (130.000 USD) để mua nhu yếu phẩm khẩn cấp cho 4.000 người dân sống sót phải di dời.

Theo AFP, giới chức Papua New Guinea kêu gọi hành động lập tức và hợp tác từ mọi lực lượng để ứng phó thảm họa, trong đó có quân đội, lực lượng cứu hộ quốc gia và địa phương. Papua New Guinea cũng đề nghị LHQ hỗ trợ thông báo tình hình đến các đối tác hợp tác phát triển và bạn bè quốc tế.

Theo Reuters, ngày 26-5, Trung Quốc cho biết, họ sẽ chú ý đến yêu cầu của Papua New Guinea, cung cấp hỗ trợ trong khả năng của mình để cứu trợ thiên tai và tái thiết sau thảm họa ở quốc đảo nam Thái Bình Dương này. Trong khi đó, ngày 27-5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc, ông Richard Marles, cho biết, nước này có thể hỗ trợ vận tải hàng không phục vụ các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ.

NGHI VĂN

.