Quốc tế
Ấn Độ nhìn về ASEAN khi "hướng Đông"
Chính sách “Hướng Ðông” (LEP) của Ấn Ðộ được công bố năm 1991. Sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi quyết định đổi LEP thành chính sách “Hành động hướng Ðông” (AEP), thể hiện sự chủ động, tích cực hành động mạnh mẽ nhằm khẳng định vai trò, vị thế của Ấn Ðộ ở châu Á thông qua kết nối chặt chẽ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là nỗ lực đối phó với khủng hoảng, đa dạng hóa các mối quan hệ, làm tốt nhu cầu phát triển về phía đông, cạnh tranh tạo thế cân bằng chiến lược giữa các nước lớn và định hình cấu trúc an ninh khu vực.
Từ đó đến nay, Chính phủ Ấn Độ có những bước đi phù hợp cả về chủ trương, biện pháp cụ thể trong hành động lẫn định hướng truyền thông mạnh mẽ và sâu rộng. Có thể nói, trải qua hơn 4 thập niên, hợp tác ASEAN - Ấn Độ không ngừng phát triển trên nền tảng các mối liên hệ, giao lưu lịch sử lâu đời và sự gần gũi về địa lý, chia sẻ các giá trị chung về hòa bình, ổn định và thịnh vượng, góp phần xây dựng trật tự thế giới dựa trên luật lệ, bảo đảm lợi ích cho nhân loại.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực biến động phức tạp, Ấn Ðộ quyết tâm thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với ASEAN vì lợi ích chung và coi đây cũng là một phần trong chính sách AEP của mình. ASEAN và Ấn Độ nhất trí tập trung ưu tiên hợp tác biển bền vững, kinh tế biển xanh, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao năng lực y tế, thúc đẩy kết nối, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng Ấn Độ đã công bố thành lập Quỹ ASEAN-Ấn Độ vì tương lai số.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 20 vào năm 2022 và cũng là thời điểm mà mối quan hệ hai bên được nâng cấp lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Modi khẳng định, ASEAN là trụ cột trong chính sách AEP và là trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ. Ông Modi từng chia sẻ, phương Ðông hay khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương là một phần không thể thiếu đối với tương lai của Ấn Ðộ.
Mới đây, vào cuối tháng 3-2024, vào dịp Ấn Độ chuẩn bị kỷ niệm 10 năm triển khai chính sách AEP, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar có chuyến công du Ðông Nam Á kéo dài 5 ngày đến 3 nước ASEAN, trong đó có Malaysia, thành viên sẽ làm Chủ tịch ASEAN năm 2025. Đây là bước đi quan trọng trên hành trình kết nối chặt chẽ Ấn Ðộ với các đối tác ASEAN, qua đó tạo lực đẩy mạnh mẽ cho chính sách AEP. Một nhân tố khác vô cùng quan trọng để AEP đến với người dân của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế chính là việc tăng cường truyền thông về việc Ấn Độ đã và đang tập trung vào 3 điểm chính: nhấn mạnh ASEAN là trụ cột và tầm nhìn quan trọng trong chính sách AEP đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; tập trung phản án EAP đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; và nỗ lực của Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối.
Với sự bùng nổ của mạng xã hội và truyền thông kỹ thuật số, truyền thông Ấn Độ đã và đang tạo ra nội dung phù hợp về AEP để thu hút nhiều hơn sự chú ý của nhóm công chúng trẻ và nhóm người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Những động thái trên tuy chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động truyền thông rộng lớn nhằm đẩy mạnh chính sách và các hoạt động của AEP, nhưng cũng từ đó góp phần không nhỏ trong việc tăng cường vai trò và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đến khu vực Đông Á.
Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn biến phức tạp do căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước lớn khác như bộ tứ QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ), truyền thông quốc tế Ấn Độ đóng vai trò trung tâm trong việc đưa AEP đến với người dân Ấn Độ, ASEAN và thế giới bằng thông điệp mạnh mẽ về một Ấn Độ có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong không chỉ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn thế giới.
LÊ MINH HÙNG