Quốc tế
Bàn cờ chiến lược mới của NATO là gì?
Ra đời từ Chiến tranh Lạnh (năm 1949), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện đang ở tuổi 75 trong tình huống mà các nhà quan sát đánh giá là có nhiều “nghịch lý” khó đoán định.
NATO hiện là khối quân sự khổng lồ và duy nhất hiện nay trên thế giới. Không những vậy, tổ chức này chưa bao giờ được trẻ hóa và hồi sinh như vậy trong những năm gần đây khi tiếp tục phát triển các thành viên ở khu vực phía đông giáp với đường biên giới nước Nga lên 32 nước và đang có ý định gia tăng thêm nữa, trong đó Ukraine nằm trong mục tiêu thành viên tiềm năng. Tuy nhiên, cùng với đó, quy mô về những thách thức mà NATO đã và đang phải đối mặt, cả bên trong và bên ngoài, cũng ngày càng gia tăng.
Các nhà lãnh đạo NATO họp hội nghị thượng đỉnh tại Washington đã thảo luận về loạt vấn đề nóng được cho là có ý nghĩa sống còn đối với liên minh. Bàn cờ chiến lược của NATO được vạch ra là tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, thúc đẩy chiến lược công nghiệp quốc phòng, tăng cường các quan hệ đối tác và bảo đảm các cam kết về chi tiêu quốc phòng.
Theo AP, tuyên bố chung 38 điểm, lãnh đạo các nước thành viên NATO khẳng định đoàn kết trong khối, đồng thời nhấn mạnh NATO tiếp tục là diễn đàn xuyên Đại Tây Dương quan trọng và không thể thiếu nhằm tham vấn, phối hợp và hành động trước mọi vấn đề liên quan tới an ninh tập thể và của mỗi nước. Trong đó, mục tiêu chủ yếu và bao trùm hiện nay của NATO là tiếp tục khẳng định sự ủng hộ vững chắc và lâu dài đối với Ukraine. TASS dẫn tuyên bố của ông Stoltenberg trong lễ khai mạc hội nghị: “NATO quyết dồn mọi nguồn lực cả về chính trị, kinh tế và nhất là viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine. CBS News dẫn lời ông Stoltenberg khẳng định việc tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Kiev là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ tư cách thành viên nào trong tương lai.
Ngoài vấn đề Nga-Ukraine, NATO cũng để mắt đến Trung Quốc, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hay quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và NATO, cũng như phòng thủ tên lửa và phòng không, răn đe hạt nhân. Nhưng oái ăm thay, NATO lại “lãng quên” một cách có chủ ý về cuộc xung đột đẫm máu kéo dài nhiều tháng nay giữa Hamas - Israel tại dải Gaza làm cho hàng vạn người Palestine thương vong, hàng triệu người di cư đói khát và có đang nguy cơ bùng phát cuộc chiến tranh toàn diện ra cả khu vực Trung Đông?!
Mặt khác, trên thực tế, sự chia rẽ trong nội bộ NATO ngày một lớn. Giới quan sát nhận định, khả năng Pháp sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine, lập trường khác biệt của Hungary trong một số vấn đề của liên minh; sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ liên quan tới xung đột Israel- Hamas… Trong khi đó, dư luận châu Âu mệt mỏi với cuộc xung đột dai dẳng tại Ukraine trong bối cảnh kinh tế trì trệ. Nhiều thành viên của liên minh đang trải qua những thách thức chính trị nghiêm trọng trong nước. Đặc biệt, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có ảnh hưởng lớn đến NATO. Đáng chú ý, trong phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bày tỏ: “Không ai biết những tuần và tháng tới sẽ như thế nào. Nhưng một điều chắc chắn là NATO phải duy trì tính chất xuyên Đại Tây Dương bất kể kết quả bầu cử tại Mỹ như thế nào”.
Phản ứng về hội nghị này, RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây lưu ý rằng, NATO vẫn coi Nga là đối thủ, đồng thời nhấn mạnh NATO có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine và đứng về phía Kiev. RT cũng cho biết, phái đoàn Trung Quốc tại EU nêu rõ tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington chứa đầy tư tưởng chiến tranh Lạnh; đồng thời chỉ trích mạnh mẽ các đoạn liên quan Trung Quốc. Trung Quốc đã gửi đơn kiến nghị nghiêm túc tới NATO và khẳng định nước này vẫn luôn thúc đẩy việc đàm phán hòa bình ở Ukraine.
LÊ MINH HÙNG