Quốc tế
Mỹ-Indonesia và thỏa thuận "đổi nợ để cứu thiên nhiên"
Mỹ đồng ý xóa khoản nợ 35 triệu USD cho Indonesia trong 9 năm tới, để đổi lấy việc quốc gia Đông Nam Á này khôi phục và bảo tồn các rạn san hô ở nơi mà các chuyên gia ước tính là mảng đại dương đa dạng sinh học nhất thế giới.
Theo Japan Times, các rạn san hô khó bảo tồn hơn ở cấp quốc gia vì chúng chủ yếu bị đe dọa bởi khí thải nhà kính toàn cầu đang nóng lên do đốt nhiên liệu hóa thạch, điều mà chỉ riêng Indonesia không thể giải quyết được. Do đó, thỏa thuận song phương lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt để bảo tồn các rạn san hô. Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết, hơn 50% rạn san hô ở các đại dương đang phải chịu áp lực của đợt tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ tư trong 3 thập niên qua, có nguy cơ hủy hoại các rạn san hô. Hiện tượng tẩy trắng san hô xuất hiện khi nước biển trở nên nóng bất thường và khiến san hô “trục xuất” các loại tảo đầy màu sắc sống trong các mô của chúng. Nếu không có sự hỗ trợ của tảo trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho san hô, san hô sau đó chết dần đi. Theo Bộ Du lịch Indonesia, nước này có khoảng 5,1 triệu ha rạn san hô, chiếm 18% tổng diện tích san hô của thế giới. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang có nhiều tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển của Indonesia, trong đó có quá trình tẩy trắng rạn san hô trên diện rộng.
Theo Reuters, thỏa thuận giữa Mỹ và Indonesia lần này là thỏa thuận “đổi nợ để cứu thiên nhiên” thứ tư mà hai nước ký kể từ năm 2009 và dự kiến tài trợ trong ít nhất 15 cho công tác bảo tồn ở hai khu vực chính của “Tam giác san hô” vốn đều trải rộng trên diện tích hàng trăm nghìn ha, và là môi trường sống của hơn 3/4 số loài san hô, hơn 3.000 loại cá, rùa, cá mập, cá voi và cá heo. Alexandre Portnoi, cố vấn pháp lý của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, người đứng sau thỏa thuận này, cho biết hai khu vực này đều là trung tâm của đa dạng sinh học. Một Ủy ban Giám sát bao gồm đại diện của Chính phủ Indonesia và Mỹ, các đối tác phi chính phủ và các tổ chức xã hội sẽ quản lý khoản ngân sách có được từ thỏa thuận hoán đổi nợ này.
SCMP cho biết, Indonesia được hưởng lợi tổng cộng gần 70 triệu USD từ các giao dịch hoán đổi nợ trước đó với Mỹ vào năm 2009, 2011 và 2014. Đây là dự án đầu tiên tập trung vào các rạn san hô thay vì các khu rừng nhiệt đới của Indonesia, nơi đang bị đe dọa do việc mở rộng các đồn điền dầu cọ. Các rạn san hô khó bảo tồn hơn ở cấp quốc gia vì chúng chủ yếu bị đe dọa bởi khí thải nhà kính toàn cầu do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, điều mà chỉ riêng Indonesia không thể giải quyết được.
Theo thỏa thuận mới nhất này, khoản nợ của Indonesia được xóa theo Đạo luật bảo tồn rừng nhiệt đới và rạn san hô của Mỹ. Đổi lại, quốc gia Đông Nam Á phải cam kết phục hồi rạn san hô trong khi các nhóm phi lợi nhuận địa phương sử dụng quỹ bảo tồn để hỗ trợ các dự án mang lại lợi ích trực tiếp cho hệ sinh thái rạn san hô cũng như cũng như bảo đảm môi trường sống bền vững cho các loài phụ thuộc vào hệ sinh thái này. Giới chuyên gia cho biết, khoản nợ hoán đổi bảo vệ thiên nhiên được thiết kế đặc biệt nhằm phá vỡ chu kỳ của các khoản nợ đang gây suy thoái môi trường.
Rõ ràng, thỏa thuận nói trên càng cho thấy ý tưởng xóa nợ gắn với các dự án “xanh”, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được xem là giải pháp sáng tạo, có ý nghĩa và khá toàn diện để giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt, vừa giúp bớt gánh nặng nợ công, vừa thúc đẩy phát triển bền vững.
GIA NGHI