Quốc tế

Nghịch lý trong giới siêu giàu

08:36, 26/07/2024 (GMT+7)

Tài sản của giới siêu giàu toàn cầu ngày tăng mạnh, song thuế áp vào họ lại giảm xuống mức thấp lịch sử. Nghịch lý này đã và đang làm gia tăng lời kêu gọi đánh thuế công bằng - điều kiện tiên quyết và chiến lược bền vững để góp phần xoa dịu bất bình đẳng.

Người dân kêu gọi “đánh thuế đối với người giàu” bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos đầu năm 2024. Ảnh: AFP
Người dân kêu gọi “đánh thuế đối với người giàu” bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos đầu năm 2024. Ảnh: AFP

Những con số bất bình đẳng

Ngày 25-7, tổ chức Oxfam cho biết, tài sản của 1% dân số giàu nhất thế giới tăng tổng cộng 42.000 tỷ USD trong thập niên qua, cao hơn gần 36 lần so với tài sản mà 50% dân số nghèo toàn cầu tích lũy. Bất chấp thế giới đang trải qua những căng thẳng và biến động, những người giàu nhất trên hành tinh vẫn gia tăng tài sản đáng kể và lợi nhuận của các công ty lớn đạt mức cao kỷ lục. Tài sản trung bình của mỗi người trong nhóm 1% này tăng gần 400.000 USD theo giá trị thực trong thập kỷ qua so với chỉ 335 USD - mức tăng tương đương chưa đến 9 xu/ngày - của một người thuộc nhóm dân số còn lại.

Điều đáng nói là mức thuế đánh vào nhóm giàu này giảm xuống mức thấp lịch sử khi các tỷ phú chỉ phải nộp mức thuế tương đương chưa đến 0,5% tài sản. Oxfam chứng minh thực tế này với ví dụ đơn cử: Elon Musk, người có tài sản ước tính 200 tỷ USD, chỉ phải trả thuế suất thực khoảng 3% trong giai đoạn 2014 - 2018. Trong khi đó, một người bán bột mì ở Uganda, kiếm được 80 USD/tháng phải chi trả mức thuế 40%. Điều này càng cho thấy thực tế phũ phàng về mức độ bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo Oxfam, người giàu hầu như không phải trả thuế (thường là 3% hoặc ít hơn thu nhập của họ) và hàng tỷ USD của họ tiếp tục tăng lên thông qua việc áp dụng lãi suất kép. Trong 20 năm tới, phần lớn tài sản này sẽ được luân chuyển giữa các thành viên trong gia đình trong 1% những người giàu nhất. Chỉ riêng ở Mỹ, ước tính khoảng 36.000 tỷ USD đến 70.000 tỷ USD tài sản sẽ được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những lời kêu gọi đánh thuế người giàu đang gia tăng trên toàn cầu và sẽ càng rõ ràng hơn khi quá trình chuyển giao tài sản thế hệ khổng lồ này diễn ra.

Những số liệu trên được Oxfam đưa ra ngay trước thềm hội nghị của các lãnh đạo tài chính thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vốn đại diện cho 80% GDP thế giới diễn ra trong hai ngày 25 và 26-7 tại Brazil. Sở dĩ vấn đề thuế “chiếm sóng” sự kiện này bởi gần 80% số tỷ phú toàn cầu đến từ các quốc gia G20.

Tìm tiếng nói chung

Theo AFP, tại hội nghị, G20 thảo luận các khoản thuế đối với giới siêu giàu và các quy trình có thể được sử dụng để ngăn chặn các tỷ phú trốn tránh hệ thống thuế. Sáng kiến ​​này liên quan đến việc xác định các phương pháp đánh thuế tỷ phú và những người có thu nhập cao khác. Vấn đề áp thuế đối với giới tài phiệt là phép thử thực sự đối với chính phủ các nước G20 và sẽ là chủ đề tranh luận gay gắt bởi Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Colombia, nước chủ nhà Brazil và Liên minh châu Phi (AU) ủng hộ tăng thuế, trong khi Mỹ - nước sở hữu số người siêu giàu nhiều nhất thế giới - kiên quyết phản đối.

Thực tế, việc đánh thuế giới siêu giàu như thế nào, áp mức thuế bao nhiêu là đủ... là bài toán nan giải đối với nhiều quốc gia. Oxfam thúc giục họ áp dụng thuế tài sản ròng hằng năm ít nhất là 8% với lượng tài sản cực lớn của những người siêu giàu tại mỗi quốc gia. “Bất bình đẳng đã đạt đến mức độ vô lý. Động lực tăng thuế đối với giới siêu giàu là không thể phủ nhận. Liệu họ có ý chí chính trị để đạt tiêu chuẩn toàn cầu đặt nhu cầu của số đông lên trên số lượng nhỏ người giàu không?”, Max Lawson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về chính sách bất bình đẳng của Oxfam, nói.

Theo ông, tăng thuế lên giới siêu giàu là giải pháp khả thi để xoa dịu tình trạng bất bình đẳng hiện nay khi số tiền thuế thu được sẽ giúp hàng triệu người trên thế giới thoát nghèo; lấp đầy khoản thiếu hụt ngân quỹ cứu trợ nhân đạo khẩn cấp của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt nạn đói; tài trợ cho những tổn thất và thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp; cung cấp dịch vụ y tế và an sinh xã hội cho tất cả công dân của họ.

Tuy nhiên, để giải pháp này đi vào thực tiễn vẫn là chặng đường dài. Ngoài ý chí quyết tâm của các chính phủ, giới siêu giàu cần ý thức nâng cao trách nhiệm với xã hội thông qua đóng thuế hợp lý hơn. Theo AFP, Oxfam và các tổ chức phi chính phủ khác sẽ gửi đơn kiến ​​nghị với hơn 1,5 triệu chữ ký từ người dân trên khắp thế giới kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 tăng thuế đối với giới tỷ phú. Các cuộc thăm dò liên tục cho thấy hầu hết người dân trên khắp các quốc gia đều ủng hộ việc tăng thuế này. Phần lớn người dân ở Mỹ, 80% người Ấn Độ, 85% người Brazil và 69% người dân được thăm dò ý kiến ​​trên 34 quốc gia ở Châu Phi ủng hộ việc tăng thuế.

Theo thống kê từ Forbes, năm 2024 được coi là năm kỷ lục về số lượng tỷ phú tính theo đồng USD, với 2.781 tỷ phú trên toàn thế giới, cao hơn 141 người so với năm ngoái. Sự tăng trưởng tài sản của nhóm này nhấn mạnh xu hướng tích lũy tài sản lớn hơn trong giới thượng lưu, được thúc đẩy nhờ vào các điều kiện thị trường thuận lợi và tiến bộ công nghệ. Không chỉ có rất nhiều tiền, những tỷ phú này có còn tầm ảnh hưởng nhất định trong một số lĩnh vực, thậm chí nhiều tỷ phú đổ xô tham gia vào chính trường.

THƯ LÊ

.