Quốc tế

Ông Biden rút lui, đảng Dân chủ thêm lo

07:09, 23/07/2024 (GMT+7)

Cựu Tổng thống Donald Trump bị vụ ám sát hụt gần đây và nay đương kim Tổng thống Joe Biden bất ngờ từ bỏ tái tranh cử trước sức ép “chuyển giao ngọn đuốc”. Thật khó để đoán định điều gì xảy ra tiếp theo trong cuộc đua biến chuyển khó lường này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố từ bỏ nỗ lực tái tranh cử vào ngày 21-7. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố từ bỏ nỗ lực tái tranh cử vào ngày 21-7. Ảnh: AP

Diễn biến này đang tạo ra trạng thái tương phản chưa từng có: đảng Cộng hòa dâng cao đoàn kết sau khi chọn ông Trump là ứng viên đại diện, trong khi đảng Dân chủ đang chững lại vì bất ngờ “thay ngựa giữa dòng” khi ngày bầu cử đang cận kề. Câu hỏi được quan tâm nhất lúc này là ai có thể ngồi vào “ghế nóng” mà ông Biden để lại bởi đến nay chưa có gương mặt nào giành lợi thế áp đảo.

Quyết định lịch sử

CNN dẫn thông báo của ông Biden cho biết việc rút khỏi cuộc đua vào ngày 21-7 là vì lợi ích tốt nhất cho đảng Dân chủ và đất nước nói chung. Màn rút lui chóng vánh này là điều chưa từng có trong nửa thế kỷ qua, bước ngoặt quan trọng tái định hình đường đua năm nay và về cơ bản đặt dấu chấm dứt cho sự nghiệp chính trị kéo dài hơn nửa thế kỷ của ông. Đây cũng hẳn là một trong những quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông, bởi không lâu trước đó ông còn một mực tuyên bố bám trụ tới cùng với lời thách đấu táo bạo trước ông Trump.

Giới phân tích chỉ ra sự cộng hưởng đúng thời điểm của nhiều yếu tố khiến ông Biden phải miễn cưỡng rút lui. CNN dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết, ông Biden ngậm ngùi từ bỏ một phần vì ông đã cố gắng suốt nhiều tuần để chuyển hướng dư luận khỏi sự chú ý từ màn tranh luận thất bại sang những vấn đề gây tranh cãi của đối thủ Trump nhưng rốt cuộc không thành công. Bên cạnh đó, theo Politico, cảm giác thất vọng và bị cô lập khi những người từng “kề vai sát cánh” lạnh lùng quay lưng trong thời điểm then chốt càng khiến ông Biden suy ngẫm nghiêm túc. Rõ ràng, sức ép ngày càng dâng cao ngay trong nội bộ đảng Dân chủ với lo ngại về sức khỏe và sự minh mẫn của ông sau màn tranh luận. Kể từ đó, hơn 30 nghị sĩ đảng Dân chủ công khai yêu cầu ông dừng tái tranh cử, đặc biệt khi ông Trump đang có lợi thế đột biến sau vụ ám sát hụt. Ngay cả cựu Chủ tịch Hạ viện Pelosi, đồng minh thân cận hàng đầu của ông Biden, cũng “quay xe”.

Trong khi đó, kết quả rất ảm đạm trong cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy ông Biden không chỉ tụt lại ở cả 6 bang chiến trường quan trọng, mà còn thất bại ở những nơi mà đảng Dân chủ lâu nay hoàn toàn an tâm, điều này khiến ông rốt cuộc cũng cảm thấy bị thuyết phục rằng: nhiều khả năng ông thất bại. Theo CNN, một yếu tố không thể bỏ qua là tiếng nói từ phía gia đình ông. Lâu nay, ông luôn hỏi ý kiến từ người thân trong gia đình, đặc biệt là vợ của mình, trước bất kỳ quyết định quan trọng. Và lần này cũng vậy, cuộc họp gia đình tối 20-7 diễn ra trước khi ông thông báo rút lui ngày 21-7.

Ai sẽ thay thế?

Đảng Dân chủ đang gấp rút lấp đầy khoảng trống do ông Biden để lại. Địa vị trong đảng Dân chủ và các mối quan hệ tốt tại Nhà Trắng, đặc biệt là với sự ủng hộ của ông Biden, có thể khiến Phó Tổng thống Kamala Harris (59 tuổi) trở thành ứng cử viên hàng đầu, qua đó mở ra cơ hội làm nên lịch sử với tư cách là nữ Tổng thống đầu tiên.

Về những diễn biến có thể xảy ra sau khi ông Biden rút lui, Reuters dẫn bà Elaine Kamarck, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings Institution, thành viên Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ, cho rằng còn quá sớm để biết ai là người thay thế ông Biden trong cuộc bầu cử này bởi nhiều khả năng đảng sẽ chỉ định ứng viên chính thức tại đại hội toàn quốc dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 22-8. Bà Harris hiện đứng đầu danh sách ứng viên tiềm năng nhưng nhiều khả năng bà sẽ gặp phải khởi đầu khó khăn bởi kết quả thăm dò không mấy khả quan trước ông Trump. AFP chỉ ra một số cái tên sáng giá khác bao gồm thống đốc các bang California, Michigan, Kentucky và Illinois.

Tuy nhiên, CNN dẫn các nguồn tin thân cận cho rằng, đảng Dân chủ sẽ lựa chọn bà Harris dựa trên những điểm sáng trong lý lịch của bà với tư cách là cựu công tố viên, tổng chưởng lý California và thẩm phán trong các phiên điều trần tại Thượng viện. Do đó, nhiều người đang mường tượng về khả năng cuộc bầu cử sắp tới là màn đấu thú vị giữa một công tố viên (Harris) với người bị tuyên phạm tội hình sự (Trump) đang “ngập” trong 88 cáo trạng.

Ông Biden trước sức ép từ chức
Một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng, nếu ông Biden không đủ sức khỏe tranh cử thì cũng không đủ khỏe để làm tổng thống. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson kêu gọi ông Biden từ chức ngay lập tức sau khi tuyên bố dừng tái tranh cử vì vấn đề tuổi tác. “Nếu ông Biden không thích hợp để tranh cử tổng thống thì ông ấy cũng không phù hợp để làm tổng thống. Ông ta phải từ chức ngay lập tức. Không thể chờ đến ngày bầu cử 5-11”, AFP dẫn lời ông Johnson. Tương tự ông Trump cũng “đồng thanh tương ứng” với lời kêu gọi tương tự đăng trên mạng xã hội Truth Social.

THƯ LÊ

.