Quốc tế
Ukraine tìm hướng hòa đàm để sớm chấm dứt xung đột
Những ngày gần đây, Ukraine phát đi một số tín hiệu cho thấy nước này đang tính đến việc ngồi vào bàn đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng hơn 2 năm qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đang thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Ukraine đến Trung Quốc kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2-2022. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 23 đến 26-7 theo lời mời của người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, cho thấy chính quyền Tổng thống Zelensky vẫn tin tưởng Trung Quốc có khả năng lớn giúp chấm dứt cuộc xung đột và Ukraine đang tìm kiếm lập trường chung về vấn đề này trong chuyến thăm của ông Kuleba.
Theo Reuters, trong cuộc hội đàm với ông Vương Nghị tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) ngày 24-7, Ngoại trưởng Kuleba tuyên bố, Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga. Một nguồn tin trong phái đoàn Ukraine cho hay: “Cuộc trò chuyện kéo dài hơn ba giờ, dài hơn dự định. Đây là cuộc đối thoại rất sâu sắc và cụ thể”. Reuters dẫn lời ông Kuleba nhấn mạnh: “Phía Ukraine sẵn sàng tiến hành đối thoại và đàm phán với phía Nga. Tất nhiên, các cuộc đàm phán phải hợp lý và thực tế, nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Theo SCMP, tuần trước, ông Zelensky thông báo Ukraine dự định tổ chức một hội nghị hòa bình khác trước tháng 11-2024, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó sẽ tập trung vào tầm nhìn của ông về tiến trình hòa bình ở Ukraine, đồng thời kêu gọi các đại diện Nga tham dự. Do đó, theo ABC News, nhân chuyến thăm này, ông Kuleba sẽ tranh thủ cơ hội để vận động các quan chức Trung Quốc tham dự hội nghị này. Trung Quốc từ chối tham dự sự kiện tương tự ở Thụy Sĩ vào tháng 6-2024 vì Nga không được mời tham gia. Trung Quốc cho rằng, sự tham gia của cả hai bên trong xung đột luôn là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ hội nghị thượng đỉnh hòa bình có ý nghĩa. Theo giới quan sát, chuyến thăm phản ánh tính toán rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào mà Ukraine chấp thuận đều có thể sẽ không thể bắt đầu nếu không có sự tham gia của Trung Quốc.
Trước đó, ngày 23-7, trong cuộc gặp Quốc vụ khanh (người đứng đầu chính phủ) Vatican, Hồng y Pietro Parolin, Tổng thống Zelensky cho biết ông hiểu sự cần thiết phải chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt, đồng thời cho rằng chuyến thăm của Hồng y Parolin là tín hiệu mạnh mẽ từ Vatican. “Tất nhiên, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu rằng chúng ta phải chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt”, ông Zelensky nói. Trong một tuyên bố trên Telegram, ông Zelensky cũng xác nhận vấn đề hòa bình là trọng tâm trong cuộc gặp với Hồng y Parolin.
Thực ra, Chính phủ Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình với phía Ukraine. Tháng 6-2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra các điều kiện cụ thể để chấm dứt giao tranh và bắt đầu đàm phán, trong đó có việc rút quân Ukraine khỏi các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, công nhận các vùng lãnh thổ này là của Nga và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Theo Tổng thống Putin, Nga sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán ngay lập tức, nhưng các điều kiện có thể thay đổi theo thời gian.
Những động thái muốn tìm cách xoa dịu xung đột của Ukraine diễn ra trong bối cảnh quân đội nước này liên tục gặp bất lợi khiến nhiều người dân không còn tin tưởng vào kết quả quân sự có lợi. Hơn nữa, một số nước phương Tây đang ngày càng tỏ ra mệt mỏi với khoản viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Nổi bật trong số đó là Đức khi cắt giảm viện trợ quân sự vì không muốn leo thang xung đột, đồng thời tránh nguy cơ thâm hụt ngân sách lớn cho họ.
THƯ LÊ