Quốc tế
Trung Đông thêm "nóng" với màn trả đũa giữa Israel và Houthi
Ngày 20-7, Israel lần đầu tiên tấn công vào mục tiêu trên lãnh thổ Yemen với các cuộc không kích vào cảng Hodeidah do lực lượng Houthi kiểm soát nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Tel Aviv do Houthi thực hiện một ngày trước đó. Màn trả đũa lẫn nhau chưa rõ hồi kết càng khiến tình hình Trung Đông thêm “nóng”.
Theo tờ New York Times, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết, cuộc tấn công của quân đội Israel nhằm trả đũa động thái quân sự trước đó của lực lượng Houthi khiến một người Israel thiệt mạng. “Lực lượng Houthi đã tấn công chúng tôi hơn 200 lần. Quân đội Israel sẽ tiếp tục đáp trả Houthi ở bất kỳ nơi nào cần thiết nếu tính mạng và lợi ích của người dân Israel bị đe dọa”, ông Gallant tuyên bố. Mục tiêu của các cuộc không kích là các kho dầu khí và nhà máy điện mà người Houthi sử dụng cho mục đích quân sự, làm hư hại một số cơ sở lưỡng dụng cũng được sử dụng cho mục đích dân sự. Các báo cáo ban đầu cho thấy có một số người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương trong vụ tấn công.
Axios trước đó đưa tin Israel thực hiện cuộc tấn công với sự phối hợp của Mỹ và các đồng minh khác, nhưng theo 4 nguồn tin của tờ New York Times, nhà nước Do Thái đã hành động một mình, không có sự tham gia của quân đội Mỹ. Về phần mình, đại diện của lực lượng Houthi tại Yemen, ông Mohammed Abdel Salam, lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Israel khi làm tăng thêm đau khổ của người dân Yemen và buộc nước nay ngừng hỗ trợ Palestine. Tuy nhiên, Houthi cam kết tiếp tục hỗ trợ người dân ở dải Gaza bất chấp bất kỳ sức ép nào, và lực lượng này sẽ sẵn sàng tấn công các mục tiêu quan trọng sắp tới của Israel.
Theo phong trào Hezbollah, bước đi không suy tính này báo trước giai đoạn mới, nguy hiểm của cuộc đối đầu rất quan trọng trên toàn bộ khu vực. Tương tự, Iran cũng kịch liệt lên án các cuộc không kích và cảnh báo về khả năng xảy ra cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn do “chủ nghĩa phiêu lưu nguy hiểm” của Israel.
Tờ Izvestia dẫn nhận định của chuyên gia chính trị Movses Ghazaryan cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà quân đội Israel lựa chọn mục tiêu tấn công trả đũa là cảng Hodeidah. Thực tế, cảng Hodeidah có vai trò đặc biệt quan trọng đối với lực lượng Houthi nói riêng và Yemen nói chung với hơn 70% lượng hàng hóa nhập khẩu của nước này được vận chuyển qua đây. Đối với Houthi, cảng Hodeidah giữ vai trò kết nối giữa lực lượng này và Iran vốn bị Israel và một số nước phương Tây cáo buộc là “nhà tài trợ” chính, cung cấp vũ khí cho Houthi trong nhiều năm qua.
Theo một nguồn tin giấu tên từ quân đội Israel, cảng này là tuyến đường chính cung cấp vũ khí từ Iran đến Yemen. Việc kiểm soát cảng Hodeidah còn giúp Houthi dễ dàng thực hiện các hoạt động quân sự ở Biển Đỏ, nhằm gây áp lực lên Israel và các nước phương Tây về tình hình xung đột ở Gaza. Kể từ tháng 11-2023, Houthi tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền thương mại đi qua Biển Đỏ để phản đối cuộc tấn công của Israel ở Gaza.
Houthi là một phong trào chính trị, đồng thời là lực lượng quân sự và một nhóm tôn giáo, đã chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Yemen kể từ năm 2014. Giới phân tích cho rằng, hệ tư tưởng và nền tảng chính trị của Houthi rất mơ hồ và mâu thuẫn. Ngoài lý do bảo vệ người Palestine trước cuộc tấn công của Israel ở Gaza, Houthi còn tìm cách “đẩy nóng” tình hình Biển Đỏ nhằm khẳng định vai trò là một lực lượng chính trị, quân sự có ảnh hưởng tại khu vực.
Trong khi đó, theo tờ Izvestia, nhà phân tích chính trị và cựu cố vấn của Quốc hội Mỹ James Jatras đánh giá, các cuộc tấn công trả đũa giữa Israel và Houthi cho thấy tình hình xung đột ở Trung Đông diễn biến ngày càng phức tạp. Thông qua các cuộc tấn công, Houthi như muốn truyền tải thông điệp sẵn sàng tham gia mạnh mẽ hơn vào mặt trận chống Israel. Trong khi đó, Israel đang rơi vào tình thế “tứ bề thọ địch” gay go với các mặt trận từ Hamas tại Gaza, phong trào Hezbollah ở Lebanon và giờ đây là Houthi ở Yemen.
Cũng theo chuyên gia James Jatras, các cuộc tấn công đáp trả giữa Israel và Houthi sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian tới. Với xu hướng đó, không loại trừ khả năng Mỹ và Iran sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Từ lâu Mỹ luôn xem Israel là đồng minh chủ chốt ở Trung Đông và chắc chắc sẽ không thể đứng ngoài cuộc chơi trong bối cảnh đồng minh đang đối mặt với nhiều thách thức.
HÙNG LÂM