Đà Nẵng cuối tuần
Đập chắn Thái Bình Dương: Ảo vọng tiêu tan
Marguerite Duras viết Đập chắn Thái Bình Dương khi mới ngoài ba mươi mà đã đầy hứa hẹn. Hơn ba thập niên sau bà viết tiểu thuyết Người tình và đoạt giải Goncourt, nhưng không cần đợi đến Người tình hay một giải thưởng danh giá, từ lúc hãy còn trẻ, Đập chắn Thái Bình Dương đủ thành một minh chứng hùng hồn cho tài năng văn chương của bà.
Phải mất mười bảy năm Marguerite Duras mới biết trời Âu bởi từ lúc sinh ra xung quanh bà là những khuôn mặt, cảnh quan quen thuộc về một vùng đất phương Đông miên viễn. Tác phẩm Đập chắn Thái Bình Dương đặt nền móng cho tòa lâu đài hồi ức đó. Ra đời năm 1950, cuốn tiểu thuyết gần như khởi đầu cho mọi sự, ở tuổi ngoài ba mươi, Duras cho phép mình sống lại đoạn đời khó khăn mà có lẽ mất rất lâu bà mới dám đối mặt. Duras trở về, hóa thân vào hình hài cô bé Suzanne da trắng, mồ côi cha, em gái của một người anh điên rồ và chị của đứa em trai nhu nhược. Duras sẽ trở thành Suzanne thêm nhiều lần nữa từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, như đứa con lạc loài tha thẩn đem theo quá khứ của mình băng qua mê hồn trận của hoài niệm, ngôn từ, trôi dạt trong ngày tháng bất định giữa hư và thực.
Lần lượt từ Đập chắn Thái Bình Dương qua Rạp Éden, Người tình, rồi Người tình Hoa Bắc, Duras đưa các yếu tố tự thuật vào văn chương. Những nét tiểu sử cá nhân, lý lịch gia đình được bà đem vào tiểu thuyết, nhào nặn lại dưới ánh nhìn vừa tiệm cận, lại như đã xa cách nghìn trùng. Nhưng độc giả cũng sẽ thắc mắc dưới những dòng chữ kia đâu là sự thực, đâu là hư cấu, hay hiện thực và hư cấu vốn dĩ không có nghĩa ngoài những gì tồn tại trong vương quốc của nhà văn. Thứ ký ức cấu hợp từ quá khứ mỗi ngày lại vuột xa hơn khỏi tầm tay và chỉ có viết mới hầu mong nắm bắt lại.
“Văn chương vẫn luôn là thứ không có quy chiếu gì hết hoặc nó là… Nó vẫn còn như ngày đầu vậy. Hoang dại. Khác biệt. Trừ những người, những người đi lại trong cuốn sách, người ta không bao giờ quên họ trong công việc và chưa bao giờ tác giả tiếc đã nói đến họ” (Marguerite Duras viết, Trần Văn Công dịch, NXB Văn học, tr. 35). Chẳng dễ dàng gì đọc văn chương Duras mà né được chuyện phải liếc qua tiểu sử của bà. Một tiểu sử đầy thăng trầm, ta phải lùi xa hơn nữa để thấy được chỗ khởi sự của tất cả…
Đầu thế kỷ XX, hai vợ chồng người Pháp bỏ Âu châu để lên tàu đến Đông Dương. Không biết có phải vì phong thổ bất đồng mà người chồng sớm ly trần nơi đất khách quê người, bỏ lại vợ góa con côi. Độc giả quen hình dung những người phương Tây sinh sống ở xứ thuộc địa xưa hẳn đều giàu có, quý phái. Đập chắn Thái Bình Dương làm vụn vỡ cái hình ảnh lung linh đó. Người mẹ nghèo túng phải đi dạy trường thuộc địa, đồng thời suốt mười năm ròng chơi đàn ở rạp Éden. Những đứa con trưởng thành trong cảnh túng thiếu, thường xuyên thiếu đói, đến mức gia đình trông cậy vào hôn sự của đứa con gái độc nhất với người đàn ông giàu có, hầu mong đổi đời.
Trong tiểu thuyết này, hình tượng người mẹ hiện lên như một kẻ không chịu đầu hàng dẫu đứng trước thiên nhiên hay định mệnh. Bà mua lại những mảnh đất không màu mỡ, cố cải tạo chúng, bảo vệ đất đai khỏi bị nước biển xâm ngập mặn. Nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của bà là đắp một con đập với hy vọng ngăn được nước Thái Bình Dương.
Theo bản dịch Đập chắn Thái Bình Dương của Quế Sơn (Phanbook và NXB Phụ Nữ 2024), trên thực tế xử sở mà Duras miêu tả trong tác phẩm này giáp với vịnh Thái Lan, trong khi vịnh này chỉ giáp một chút với Thái Bình Dương. Sự mù mờ của người mẹ hay ở đây là chính Duras cho thấy ký ức dễ đánh lừa chúng ta siết bao kể cả với những nơi chốn những con người ta tưởng rằng chẳng thể nào quên được. Hoặc Thái Bình Dương chẳng qua là sự phóng đại của trí nhớ, như biết bao con người đã tô vẽ hồi ức của mình, làm nó đẹp thêm, hoành tráng, sống động hơn. Chỉ có Thái Bình Dương kia mới đủ sức vỗ về nỗi buồn thiếu nữ, cũng chỉ có Thái Bình Dương mới đủ sức diễn tả sự khủng khiếp của thiên nhiên đã quét qua gia đình của Suzanne, làm sụp đổ bao công trình mơ ước. Ảo vọng tiêu tàn, những ảo vọng mà rất nhiều kẻ phiêu lưu châu Âu đã mang theo đến các nước phương Đông hơn một thế kỷ trước. “Bà đã gởi đến đại dương Thái Bình những giấc mộng thanh xuân của mình, chứ không phải gởi đến bất cứ cái nào trong số những cái biển nhỏ chỉ làm rối ren mọi chuyện một cách vô ích” (tr.31).
Trong thế giới của Duras tạo ra, sống ở thuộc địa, những người châu Âu bần cùng, thảm hại khác xa cái vẻ lộng lẫy của những ông bà chủ giàu có, những giấc mộng văn minh huy hoàng vẫn hay được truyền tụng cho người bản xứ. Tất cả không có ý nghĩa gì trên xứ sở này bởi xứ sở này như biển Thái Bình kia đủ sức xóa nhòa tất cả.
Ở đó, con nít chết “vì sự đói ăn, vì những bệnh tật do đói ăn gây ra, vì những mối nguy cơ bắt nguồn từ sự đói ăn” (tr.31). Những dòng viết về con nít ở đồng bằng Đông Dương có lẽ khốc liệt nhất và cũng thuộc vào dạng hay nhất trong tác phẩm này. Lướt qua những trường đoạn diễm tình đầy mỉa mai, lướt qua tấn bi hài kịch dài của của những lưu dân da trắng trong một chế độ khai thác thuộc địa quan liêu, tất cả chỉ còn là cái bạo tàn của đời sống con người đứng trước thiên nhiên, một thiên nhiên dưới ngòi bút của Duras đã thành bất trắc, đe dọa. Bóng đêm đã theo đến tận cùng như một sự hô ứng. Đến lúc bóng tối chảy tràn hòa với cái mênh mông của biển Thái Bình kia làm một. Nó từ tốn trườn vào cuộc đời, phá vỡ những đập chắn, trước lúc ngày rạng, mọi thứ không còn gì khác, bị xóa sạch, như nỗi buồn, như tình yêu, khát khao và ảo tưởng.
HUỲNH TRỌNG KHANG