Quốc tế
Các nước châu Á thay đổi chính sách để thu hút nguồn lực
Trung Quốc đang cân nhắc thay đổi hệ thống nhập cư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà khoa học nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Trong khi đó, Indonesia bắt đầu triển khai chương trình cấp thị thực dài hạn lên tới 10 năm, nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Theo SCMP, sau phiên họp toàn thể lần thứ ba vào tuần trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành nghị quyết với hy vọng cải thiện các cơ chế hỗ trợ tuyển dụng nhân tài nước ngoài và tạo ra các hệ thống nhân sự có khả năng cạnh tranh quốc tế. “Chúng tôi sẽ tìm cách thiết lập hệ thống nhập cư cho các nhân sự có trình độ cao”, nghị quyết nêu rõ. Giới chức Trung Quốc cho biết, việc thu hút nhân tài nước ngoài là điều cần thiết để đáp ứng các yêu cầu về phát triển chất lượng cao.
SCMP dẫn lời Alexey Kavokin, nhà vật lý lý thuyết người Pháp gốc Nga và hiện là Giám đốc Trung tâm Phân cực học quốc tế tại Đại học Westlake ở tỉnh Chiết Giang, cho biết, ông rất vui nếu có được thẻ xanh của Trung Quốc. Hiện tại ông chỉ có giấy phép cư trú và giấy phép lao động nhưng việc gia hạn chúng không hề dễ dàng. Theo nhà khoa học này, Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành siêu cường khoa học, đạt nhiều tiến bộ trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Ông Kavokin chuyển đến Trung Quốc vào năm 2018, khi đang là Giáo sư tại một trường đại học Anh, nơi ông làm việc trong hơn một thập niên. Ông bị thu hút bởi các cơ hội nghiên cứu đặc biệt mà Trung Quốc đua ra, được cung cấp 100 triệu Nhân dân tệ (13,75 triệu USD) tiền tài trợ. “Không thể có được quy mô tài trợ lớn như thế này ở châu Âu. Nhờ nguồn tài trợ này, tôi có thể xây dựng Trung tâm Phân cực học quốc tế, một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của tôi”, ông cho biết.
Theo ông Kavokin, nhìn chung Trung Quốc là nơi hấp dẫn đối với các nhà vật lý, vì có các cơ hội tài trợ tuyệt vời, vô số phòng thí nghiệm được trang bị rất tốt, và sinh viên có năng lực. Khi các rào cản về thủ tục hành chính được gỡ bỏ, nơi đây có thể trở thành “thiên đường” cho các nhà vật lý, tương tự như ở Mỹ trong giai đoạn 1950-1960. Chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết mở rộng trao đổi và hợp tác khoa học công nghệ quốc tế, khuyến khích thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ quốc tế tại nước này. Mỹ từ lâu nổi tiếng là môi trường hấp dẫn nhất đối với các nhà khoa học đầy tham vọng trên toàn thế giới, bao gồm cả các nhà khoa học Trung Quốc. Song, Fan Xiulin, nhà nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang, người trước đây sống ở Mỹ cho biết, nhiều cơ sở nhiên cứu khoa học của Trung Quốc ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn so với những cơ sở có sẵn ở Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, ngày 25-7, Indonesia triển khai chương trình thị thực dài hạn có tên gọi “Thị thực vàng”, với mục đích như Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh là mời gọi các nhà đầu tư chất lượng tốt đến với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Theo Reuters, các nhà đầu tư cá nhân muốn có “Thị thực vàng” 5 năm thì phải lập công ty trị giá 2,5 triệu USD, còn thị thực 10 năm phải lập công ty có vốn đầu tư 5 triệu USD. Với các cá nhân không thành lập công ty, số tiền để có được thị thực 5 năm và 10 năm lần lượt là 350.000 USD và 700.000 USD. Số tiền này có thể dùng để mua trái phiếu Chính phủ Indonesia và cổ phiếu của các công ty nhà nước… Riêng nhà đầu tư là công ty cần bỏ vốn 25 triệu USD để có thị thực 5 năm cho các giám đốc và ủy viên hội đồng; mức đầu tư để có thị thực 10 năm là 50 triệu đồng. Đặc biệt, nếu đầu tư vào khu vực thủ đô mới đang xây dựng trên đảo Borneo thì chỉ cần 5 triệu USD cho thị thực 5 năm và 10 triệu USD cho thị thực 10 năm. Ông Silmy Karim, người đứng đầu cơ quan nhập cư Indonesia, cho biết nước này đã cấp “Thị thực vàng” cho gần 300 người đăng ký kể từ khi bắt đầu thử nghiệm vào năm 2023 và thu về 123 triệu USD tính đến nay.
Một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng chương trình thị thực tương tự, nhưng một số nước như Canada, Anh và Singapore xóa bỏ chương trình này vì cho rằng nó không tạo ra được việc làm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, Tổng thống Widodo cho rằng chương trình “Thị thực vàng” sẽ giúp công dân nước ngoài đầu tư và đóng góp cho Indonesia thuận lợi hơn.
NGHI VĂN