Quốc tế
Làn sóng bạo loạn bao trùm nước Anh
Nước Anh đang rúng động trước làn sóng bạo loạn nghiêm trọng nhất trong 13 năm qua, khi các cuộc biểu tình cực hữu chống lại người xin tị nạn bùng phát mạnh mẽ.
Cảnh sát chống bạo động đứng bên ngoài một khách sạn ở Rotherham (Anh) sau khi nơi đây bị người biểu tình quá khích tấn công vào ngày 4-8. Ảnh: Getty Images |
Làn sóng biểu tình bạo lực chống nhập cư bùng phát trên khắp nước Anh được thúc đẩy bởi các thuyết âm mưu lan truyền trên mạng xã hội bắt đầu nổ ra từ ngày 30-7, ngay sau vụ đâm dao khiến 3 bé gái thiệt mạng và 10 người khác bị thương tại Southport ngày 29-7. Diễn biến đáng lo ngại này tiếp tục gióng hồi chuông cảnh tỉnh về chiến dịch tin giả kích động bạo lực leo thang.
Tình hình vẫn bất ổn
Những ngày qua, nước Anh chứng kiến hành vi bạo lực vô cớ với các cuộc tấn công vào lực lượng cảnh sát, cướp phá các cửa hàng và tấn công nhà thờ Hồi giáo và doanh nghiệp do người châu Á làm chủ, cùng với những lời lẽ phân biệt chủng tộc, chống Hồi giáo và cộng đồng dân tộc thiểu số. Hàng chục cảnh sát bị thương và hàng trăm kẻ gây rối, phần lớn là thanh niên, bị bắt giữ. Theo Reuters, ngày 3-8, ít nhất 100 người bị bắt sau các vụ bạo lực tại các thành phố Hull, Liverpool, Stoke-on-Trent, Nottingham, Bristol, Manchester, Blackpool và Belfast khi những người biểu tình tấn công cảnh sát, cướp phá các cửa hàng, và đốt thư viện hỗ trợ cho các cộng đồng nghèo. Những kẻ bạo loạn liên tục hô vang “dừng thuyền lại”, ám chỉ đến những người di cư đến bờ biển phía nam trong những năm gần đây.
Ngày 4-8, tình hình càng trở nên bất ổn hơn khi những người biểu tình cực hữu phóng hỏa và đột nhập vào khách sạn được dùng làm nơi trú ẩn cho người xin tị nạn ở Rotherham khi bạo lực bùng phát trên khắp nước Anh. CNN dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper lên án những kẻ bạo loạn: “Vụ tấn công bạo lực vào khách sạn đang là nơi trú ẩn của những người xin tị nạn ở Rotherham là hết sức kinh hoàng. Đây là hành động cố ý đốt cháy một tòa nhà khi biết có người đang ở bên trong”.
Đến nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu hạ nhiệt bạo loạn. Các cơ quan chức năng vẫn đang trong tình trạng báo động cao để ngăn chặn bạo lực tiếp tục bùng phát. Hàng trăm nhà thờ Hồi giáo khắp nước Anh đang siết chặt cảnh giác và tăng cường biện pháp bảo vệ. Ngày 5-8, Thủ tướng Anh Keir Starmer tổ chức cuộc họp khẩn cấp với cảnh sát trưởng ở các khu vực trên toàn quốc để bàn giải pháp xoa dịu tình hình bạo loạn hiện nay.
Hệ lụy vấn nạn tin giả
Theo Chính phủ Anh, các nhóm cực hữu đã khai thác sự hoang mang, tức giận trong công chúng sau vụ tấn công ở Southport ngày 29-7 để khuếch đại thông điệp chống người nhập cư. Theo đó, “bão” tin tức giả lan truyền trên mạng xã hội về danh tính và tôn giáo của nghi phạm, khiến biểu tình ôn hòa nhanh chóng biến thành bạo lực. Dù cảnh sát thông báo rõ rằng nghi phạm sinh ra tại Anh nhưng hàng loạt tài khoản mạng xã hội của những người theo đường lối cực hữu vốn chống nhập cư và Hồi giáo nhanh chóng lan truyền thông tin sai lệch cho rằng nghi phạm là người nhập cư Hồi giáo cực đoan.
Theo The Guardian, ngay sau vụ tấn công ở Southport, hình ảnh do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra được chia sẻ trên mạng xã hội X, mô tả một người đàn ông mặc trang phục truyền thống của người Hồi giáo mang theo hung khí đứng bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. Bài đăng kể từ đó đã có hơn 900.000 lượt xem. Tiếp đến, một tài khoản TikTok kêu gọi biểu tình gần địa điểm tấn công cũng đã thu hút gần 60.000 lượt xem trong vòng vài giờ.
CNN dẫn lời Joe Mulhall, Giám đốc Nghiên cứu tại Hope Not Hate, tổ chức từ thiện vận động chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa phát xít, cảnh báo, nền tảng truyền thông xã hội X đã trở thành không gian trung tâm cho việc phát tán thông tin sai lệch nguy hiểm và thúc đẩy các cuộc biểu tình. Mulhall cho biết: “Làn sóng bạo loạn và tấn công phân biệt chủng tộc này xuất phát từ các mạng lưới cực hữu phi tập trung, nhiều mạng lưới trong số đó hoạt động trên X. Điều này đã khiến những kẻ cực đoan cực hữu một lần nữa có thể tiếp cận hàng triệu người bằng tuyên truyền nguy hiểm và gây chia rẽ trong xã hội”.
Theo The Guardian, ngày 4-8, Thủ tướng Starmer tuyên bố, không có lý do chính đáng nào để biện minh cho các hành vi bạo lực, đồng thời khẳng định những kẻ gây rối nhằm vào người dân chỉ vì màu da của họ không đại diện cho nước Anh và sẽ sớm bị đưa ra trước công lý và nhận các bản án thích đáng. Ông Starmer cũng lên tiếng kêu gọi các công ty truyền thông xã hội phải tuân thủ luật cấm kích động bạo lực trên mạng bởi các thông tin sai lệch can thiệp vào công việc của chính quyền sẽ gây nguy hiểm cho nỗ lực tổ chức một phiên tòa công bằng sắp tới.
Vấn nạn bạo lực nói trên là thách thức lớn đối với Thủ tướng Starmer, người được bầu cách đây chỉ một tháng sau khi ông dẫn dắt Công đảng giành chiến thắng áp đảo trước đảng Bảo thủ. Các cuộc biểu tình mới nhất đập tan mọi ý tưởng rằng chính phủ trung tả của ông Starmer đã tránh được làn sóng cực hữu đang nổi lên và tiếp tục trỗi dậy ở “lục địa già”.
THƯ LÊ