Đà Nẵng cuối tuần

Xe đạp "vượt" ô-tô ở Paris

22:35, 03/08/2024 (GMT+7)

Xe đạp hiện đã vượt qua ô-tô về tỷ lệ sử dụng tại trung tâm Paris, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong giao thông đô thị tại “kinh đô ánh sáng”.

Người dân Paris ngày càng thích dùng xe đạp đi lại trong khu vực trung tâm của thành phố. Ảnh: AP
Người dân Paris ngày càng thích dùng xe đạp đi lại trong khu vực trung tâm của thành phố. Ảnh: AP

Báo cáo nghiên cứu mới đây do trang Euronews dẫn lại từ cơ quan quy hoạch đô thị Institut Paris Region (IPR), người dân Paris hiện dùng xe đạp trong 11,2% số chuyến đi lại trong trung tâm thành phố, trong khi ô-tô chỉ chiếm 4,3%. Sự gia tăng này đánh dấu một thay đổi đáng kể so với năm 2010, khi tỷ lệ đi xe đạp chỉ là 3%.

Xe đạp “lên ngôi”

Nghiên cứu nói trên cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng xe đạp đã tăng mạnh từ mức 3% vào năm 2010 lên 11,2% ở hiện tại. Bên cạnh việc xe đạp đang ngày càng phổ biến, đi bộ vẫn là phương thức di chuyển được nhiều người lựa chọn nhất ở khu vực trung tâm thành phố với 53,3% tổng số chuyến đi, và các phương tiện công cộng khác đứng ở vị trí thứ hai với 30%.

Ông David Belliard, phó thị trưởng Paris phụ trách giao thông, cho biết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter): “Mười năm trước, ai có thể tưởng tượng được rằng xe đạp sẽ thay thế ô-tô? Còn nhiều việc phải làm, nhưng đây là chiến thắng đầu tiên”.

Trong khi xe đạp phổ biến hơn ở khu vực trung tâm, phương tiện công cộng vẫn chiếm ưu thế trong các hành trình di chuyển giữa Paris và các vùng ngoại ô. Người dân dùng phương tiện công cộng cho 66% số chuyến đi từ các khu vực ngoại ô ở gần và 77% từ các ngoại ô ở xa. Cùng với việc phát triển xe đạp, Paris cũng đẩy mạnh các nỗ lực giảm ô-tô trong trung tâm thành phố. Theo đó, từ năm 2025, nhiều loại ô-tô gây ô nhiễm, bao gồm ô-tô chạy xăng và diesel kiểu cũ, sẽ bị cấm hoạt động trong thành phố. Các bãi đỗ xe bị dỡ bỏ, nhiều tuyến đường đã trở thành khu vực đi bộ. Ngoài ra, Paris đang đầu tư khoảng 250 triệu euro vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng xe đạp với mục tiêu trở thành “thành phố di chuyển hoàn toàn bằng xe đạp” vào thời điểm trước năm 2026.

Để cải thiện giao thông công cộng ở khu vực ngoài trung tâm, dự án Grand Paris Express đang xây dựng 200km đường metro mới với 68 ga bổ sung, thêm bốn tuyến metro nữa và mở rộng hai tuyến hiện có. Một tuyến đường sắt dài 76km sẽ lần đầu tiên kết nối với các khu vực ngoại ô xa của thành phố.

Cú hích từ Thế vận hội

Thế vận hội Paris 2024 diễn ra từ 26-7 đến 11-8 sẽ không chỉ là dịp để các vận động viên tỏa sáng mà còn là cơ hội để Paris, nổi tiếng với những chính sách ủng hộ xe đạp và giao thông bền vững, truyền cảm hứng đến các thành phố khác trên toàn thế giới.

Theo trang Momentummag, trước thềm Thế vận hội, Paris dự kiến bổ sung ít nhất 415km đường xe đạp để phục vụ người dân và du khách. Dự án này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng trong thời gian diễn ra Olympic, mà còn là một di sản tốt đẹp cho thành phố sau khi thế vận hội kết thúc.

Tính đến hiện tại, 320km của mạng lưới đường xe đạp này đã hoàn thành, cho phép người dân và du khách có thể đi từ nhà thi đấu Arena Bercy ở quận 12 đến Quảng trường Concorde và Bảo tàng Grand Palais ở quận 8, cùng với các điểm đến nổi tiếng như quảng trường Trocadéro, Tháp Eiffel, sân vận động Roland Garros và sân vận động Công viên các hoàng tử. Sau Olympic, Paris sẽ có thêm 418km đường xe đạp, thêm 3.000 xe đạp công cộng Vélib và nhiều dịch vụ khác do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp. Paris cũng đang thực hiện kế hoạch khí hậu 2024-2030 đầy tham vọng nhằm biến thành phố thành một đô thị bền vững và thân thiện với xe đạp. Kế hoạch này được thông qua trong năm nay, tập trung vào các hành động khí hậu nhanh chóng, địa phương và công bằng, với sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Thế vận hội Paris sẽ là cơ hội để giới thiệu các sáng kiến đó.

Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalg, cho biết: “Kế hoạch của thành phố tập trung vào việc ưu tiên cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp, nhằm tạo ra một không gian đô thị kết nối và dễ tiếp cận hơn với người đi xe đạp”. Paris dự kiến sẽ mở rộng mạng lưới đường xe đạp thêm 180km và 130.000 chỗ đậu xe đạp vào năm 2026. Đặc biệt, thành phố cũng dự định triển khai các “trái tim đi bộ” ở mỗi quận, bắt đầu bằng việc quy định Vùng hạn chế giao thông (ZTL) trên toàn thành phố vào cuối năm 2024. Sáng kiến này vốn được gợi ý từ Barcelona (Tây Ban Nha), nơi đã dành riêng các khu vực cho người đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng nhằm giảm thói quen sử dụng ô-tô.

Tăng phí đỗ xe với xe hơi cỡ lớn và gây ô nhiễm

Gần đây, người dân Paris cũng đã bỏ phiếu đồng thuận với việc tăng mức phí đỗ xe với các loại phương tiện "nặng" và "ô nhiễm". Theo đề xuất, các ô-tô có trọng lượng từ 1,6 tấn trở lên, bao gồm cả ô-tô chạy xăng và xe lai (hybrid), cũng như ô-tô điện nặng từ 2 tấn trở lên, sẽ phải trả phí đỗ xe 18 euro (khoảng 19 USD) mỗi giờ tại trung tâm Paris, tức là cao gấp 3 lần so với mức 6 euro (khoảng 6,40 USD) của các loại xe khác. Paris đang đối mặt với sự gia tăng của các loại xe SUV, hiện chiếm khoảng 40% doanh số bán xe, dẫn đến việc tăng kích thước và trọng lượng của xe cộ trong thành phố.


TRẦN ĐẮC LUÂN

.