Quốc tế
Iran sẵn sàng tháo bế tắc về hạt nhân với phương Tây
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố nước này sẵn sàng chấm dứt thế bế tắc hiện nay với phương Tây về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), qua đó cho thấy mong muốn hòa giải với phương Tây.
Reuters dẫn bài phát biểu lần đầu tiên của Tổng thống Pezeshkian tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ) ngày 24-9 ca ngợi thỏa thuận về hạt nhân mà Iran từng đạt được với phương Tây là thành tựu ngoại giao lớn và nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nếu các cam kết của thỏa thuận được thực hiện đầy đủ và thiện chí, việc đối thoại về các vấn đề khác có thể được tiến hành”. Ông Pezeshkia cũng tái khẳng định Iran mong muốn bảo vệ an ninh của chính mình, hòa bình cho tất cả mọi người, và không có ý định xung đột với bất kỳ quốc gia nào.
Cũng trong bài phát biểu quan trọng này, ông Pezeshkian tranh thủ kêu gọi nhanh chóng nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh phương Tây nhằm vào Iran. Theo hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA, những biện pháp cấm vận bất công này gây ra hậu quả tiêu cực trực tiếp đối với người dân và làm tê liệt nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Các lệnh trừng phạt không có lợi cho hòa bình và an ninh toàn cầu mà thay vào đó, chúng làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa chính phủ, người dân Iran và phương Tây.
Trước đó, bên lề cuộc họp ở New York, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cũng khẳng định Tehran sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán mới về JCPOA. Theo CNN, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đánh giá Iran gần đây đã tỏ thái độ thiện chí hơn trong hợp tác với cơ quan này sau các cuộc đàm phán ở New York; đồng thời hy vọng sẽ đến thủ đô Tehran (Iran) vào tháng 10-2024 để xúc tiến kế hoạch tiếp theo. Ông cho biết, chương trình hạt nhân của Iran đang tiếp diễn với tốc độ thường thấy, song vẫn mong muốn thúc đẩy các nỗ lực sắp xếp đàm phán giữa Tehran và các nước phương Tây về vấn đề này.
Theo JCPOA, Tehran phải hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, năm 2018 Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Iran và cũng từ đó Tehran thu hẹp các cam kết trong thỏa thuận để đáp trả. Từ năm 2021, Mỹ và Iran bắt đầu đàm phán gián tiếp với Liên minh châu Âu làm trung gian để khôi phục JCPOA nhưng đến nay mọi việc vẫn bế tắc. Tháng 8-2024, báo cáo mật của IAEA cho biết, Iran vẫn tiếp tục tăng đáng kể lượng uranium được làm giàu lên gần mức đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Theo giới quan sát, bài phát biểu của Tổng thống Pezeshkian trước Đại hội đồng LHQ thu hút sự chú ý khi bất ngờ sử dụng ngôn từ và giọng điệu mang tính xoa dịu, hòa giải, cho thấy sự tương phản rõ ràng với lập trường cứng rắn thường thấy của những người tiền nhiệm thường sử dụng bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ để thể hiện sự chống đối với Mỹ. Trọng tâm bài phát biểu lần này của ông Pezeshkian là lời khẳng định Iran đang bước vào kỷ nguyên cải cách trong nước và đóng góp mang tính xây dựng cho các vấn đề “nóng” toàn cầu; trong đó kêu gọi kết thúc cuộc xung đột Nga-Ukraine thông qua đối thoại và nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần ngay lập tức thúc đẩy để bảo đảm đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở dải Gaza và chấm dứt các hành động làm gia tăng căng thẳng của Israel ở Lebanon trước khi xung đột lan ra khắp khu vực và thế giới.
IRNA nhận định, đối với Iran, quốc gia có vai trò quan trọng ở Tây Á và trên trường quốc tế, việc tham gia sự kiện lớn tại Đại hội đồng LHQ lần này có tầm quan trọng đặc biệt. Trong những năm gần đây, Iran đã phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp lực quốc tế và lệnh trừng phạt kinh tế, cũng như nỗ lực của các đối thủ nhằm truyền bá “chủ nghĩa bài Iran” trên trường quốc tế nhằm cản trở hoặc hạn chế mối quan hệ của Iran với các quốc gia và dân tộc khác.
Đáng chú ý, truyền thông phương Tây thường miêu tả đất nước này qua lăng kính thiên vị và tiêu cực. Do đó, trong bối cảnh này, sự hiện diện của ông Pezeshkian cùng với lời lẽ mang tính xây dựng là cơ hội hiếm có để mang đến hình ảnh mới, công bằng và thực tế hơn về Iran trong mắt dư luận quốc tế. Đó là bức tranh phản ánh chính xác những nỗ lực, thành tựu và chính sách tìm kiếm hòa bình của Iran ở cả khu vực và toàn cầu; lan tỏa thông điệp mạnh mẽ từ Iran đến thế giới, với cam kết vững chắc đối với hợp tác đa phương, giải quyết xung đột hòa bình và phát triển bền vững toàn cầu.
THƯ LÊ