Quốc tế
Cận thị gia tăng ở trẻ em toàn cầu
The Guardian gần đây dẫn nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học từ Trung Quốc cho thấy, tật cận thị sẽ tăng nhanh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, học tập của trẻ em trên quy mô toàn cầu.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã tổng hợp và sử dụng dữ liệu đánh giá toàn cầu, gồm các nghiên cứu và báo cáo của chính phủ các nước về tỷ lệ trẻ em bị cận thị, được công bố kể từ năm 2015 đến tháng 6-2023. Cơ sở dữ liệu nói trên được tích lũy từ tổng cộng 276 nghiên cứu, bao gồm thông tin của hơn 5 triệu trẻ em và thanh-thiếu niên, trong đó có gần 2 triệu trường hợp bị cận thị từ 50 quốc gia ở châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương, có tính đến các biến số địa lý và các biến số khác.
Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, tỷ lệ trẻ em và thanh-thiếu niên bị cận thị tăng rất nhanh từ 24% trong giai đoạn 1990-2000, lên 30% trong giai đoạn 2011-2019 và lên tới 36% trong giai đoạn 2020-2023. Trẻ em gái và nữ giới trẻ dự kiến bị cận thị nhiều hơn so với trẻ em trai và nam giới trẻ, do các bé gái dậy thì nhanh hơn, cũng như thường hướng nội nhiều hơn và dành ít thời gian ở ngoài trời hơn so với các bé trai và nam giới trẻ. Nhóm thanh-thiếu niên trong nhóm 13-19 tuổi sẽ bị cận thị nhiều hơn so với nhóm 6-12 tuổi, bởi vì tật cận thị thường bắt đầu từ thời thơ ấu và có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác.
Nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì với xu hướng tăng nhanh như vậy, các nhà khoa học cảnh báo sẽ có khoảng 600 triệu trẻ em và thanh-thiếu niên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi cận thị vào năm 2030. Đồng thời, các nhà khoa học cũng ước tính tỷ lệ giới trẻ bị cận thị toàn cầu dự kiến đạt khoảng 40% vào năm 2050, nghĩa là vượt quá 740 triệu ca cận thị. Đây là con số rất nghiêm trọng, gây lo ngại cho xã hội và chính phủ nhiều nước.
Ở khía cạnh khác cũng đáng lưu ý khi nhóm giới khoa học Trung Quốc cho biết, Covid-19 có khả năng tác động xu hướng trẻ cận thị gia tăng. Vì các số liệu nghiên cứu có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên hệ tiềm ẩn giữa đại dịch và tình trạng suy giảm thị lực nhanh chóng ở người trẻ tuổi kể từ sau năm 2020. Theo đó, tỷ lệ cận thị ở trẻ em gia tăng đột biến sau Covid-19 và có sự chênh lệch giữa các khu vực, đặc biệt đáng lo ngại ở các nước Đông Á. Nhật Bản đứng đầu danh sách với 86% trẻ em bị cận thị, theo sau là Hàn Quốc với 74%. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố các số liệu đáng lo ngại.
Tính đến năm 2020, có khoảng 1/4 dân số toàn cầu bị cận thị. Đến năm 2030, khoảng 3,4 tỷ người sẽ bị cận thị, tức khoảng 4/10 dân số và tăng lên một nửa dân số vào năm 2050. Đồng thời, WHO dự báo tỷ lệ cận thị của trẻ em ở khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, sẽ ngày càng gia tăng với 80-90% vào năm 2050.
Sự gia tăng nhanh chóng cận thị khắp thế giới ngoài việc do di truyền còn do yếu tố môi trường, sinh hoạt. Trong đó, đặc biệt đối với các em học sinh do ít dành thời gian hoạt động ngoài trời; học tập và sinh hoạt chủ yếu trong nhà cũng là nguyên nhân lớn. Tỷ lệ mắc tật khúc xạ chủ yếu là nhóm học sinh, sinh viên ở thành phố lớn so với các em ở nông thôn. Các nhà khoa học kêu gọi tăng cường hoạt động thể chất và giảm thời gian sử dụng màn hình của các thiết bị thông minh như laptop, máy tính bảng, điện thoại cho tất cả trẻ em và thanh-thiếu niên.
Rõ ràng, khi hàng tỷ người bị cận thị, nhất là độ tuổi bị cận thị ngày càng trẻ hóa sẽ kéo theo nhiều loại bệnh lý và tạo ra gánh nặng tài chính cho các quốc gia, mà WHO dự tính với hơn 200 tỷ USD do tổn thất năng suất lao động toàn cầu mỗi năm. Đó là chưa kể đến số tiền phải bỏ ra để điều trị, chăm sóc và sử dụng các thiết bị khi mắt bị cận thị suốt đời. Bên cạnh đó, nếu không được chăm sóc, điều trị tật cận thị kịp thời đối với trẻ em thì sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và góp phần làm kết quả học tập bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
LÊ MINH HÙNG