Quốc tế

Tăng tuổi hưu đang là xu hướng của nhiều nước

07:51, 26/09/2024 (GMT+7)

Mặc dù có sự khác biệt rõ rệt giữa các nước về quy định độ tuổi về hưu, song việc tăng thêm tuổi hưu đã và đang là xu hướng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có dân số già.

OECD dự đoán tuổi nghỉ hưu trung bình sẽ tăng thêm 2 năm vào giữa những năm 2060. Ảnh: Weforum
OECD dự đoán tuổi nghỉ hưu trung bình sẽ tăng thêm 2 năm vào giữa những năm 2060. Ảnh: Weforum

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từng dự đoán tuổi về hưu trung bình sẽ tăng thêm hai năm vào giữa những năm 2060.

Vì sao tăng tuổi hưu?

US News dẫn số liệu của Cục Dân số Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng từ 46,5 tuổi vào năm 1950 lên 66 tuổi vào năm 2000 và dự kiến đạt 76 tuổi vào năm 2050. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã xem xét lại độ tuổi nghỉ hưu và điều chỉnh cho phù hợp.

Năm 2023, cải cách hưu trí tại Pháp nâng độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 64, có hiệu lực từ năm 2030. Tuy nhiên, các quy định cũng cho phép những người bắt đầu làm việc sớm có thể nghỉ hưu sớm hơn.

Những quốc gia có độ tuổi nghỉ hưu cao nhất hiện nay là Iceland và Na Uy, cùng là 67 tuổi. Đây là độ tuổi người lao động có thể nghỉ hưu mà không bị khấu trừ vào mức lương hưu được hưởng sau khi đã hoàn thành sự nghiệp bắt đầu từ năm 22 tuổi. Ở chiều ngược lại, Saudi Arabia có độ tuổi nghỉ hưu chỉ là 47, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là 52, trở thành những nước có độ tuổi về hưu thấp nhất thế giới. Tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu thường là cuối 50 đến đầu 60.

Sự gia tăng tuổi thọ trên toàn cầu đồng nghĩa với việc mọi người sẽ nghỉ hưu muộn hơn. Do đó, việc lập kế hoạch tài chính và chăm sóc sức khỏe cho giai đoạn xế chiều là rất quan trọng. Ông Chris Parry, giảng viên chính về tài chính tại Đại học Cardiff Metropolitan, nhận định với BBC rằng, tin tốt lành là hiện nay cuộc sống của chúng ta đang kéo dài, chúng ta khỏe mạnh hơn và sống tích cực hơn vào cuối độ tuổi trung niên và giai đoạn đầu của tuổi già. Có rất nhiều người hiện nay ở độ tuổi 80 vẫn khỏe mạnh và tận hưởng cuộc sống rất tích cực - cả về thể chất lẫn tinh thần.

Về hưu tuổi 60: Mục tiêu ngày càng xa vời?

Ngày nay, việc nghỉ hưu ở tuổi 60 đang trở thành mục tiêu khó khăn với rất nhiều người. Con người đang sống lâu hơn và chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Có lẽ đã đến lúc cần suy nghĩ lại về thời điểm rời khỏi lực lượng lao động. Thực tế, việc rời bỏ công việc ở tuổi 60 từng là mục tiêu của nhiều người lao động trên toàn thế giới. Theo đó, bước vào tuổi 65 được coi như mở ra “cánh cửa vàng” cho thời kỳ hưu trí.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người nhận thấy việc nghỉ hưu ở tuổi 60 không còn thực tế, thậm chí là bất hợp lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nhiều chuyên gia tài chính cũng đồng tình với quan điểm đó.

Theo BBC, trong thư gửi các nhà đầu tư vào tháng 3-2024, CEO của công ty quản lý đầu tư BlackRock, ông Larry Fink, cảnh báo những người lao động về mong muốn nghỉ hưu một cách thoải mái và tài chính vững vàng ở tuổi 60. Khi tuổi thọ toàn cầu tăng, các mạng lưới an sinh xã hội ngày càng yếu đi và chi phí sinh hoạt cũng ngày một cao, ông Fink cho biết việc nghỉ hưu ngay cả ở tuổi 65 cũng đã là không khả thi với nhiều người, thậm chí là hầu hết mọi người. “Nghỉ hưu bây giờ khó khăn hơn rất nhiều so với 30 năm trước và nó sẽ còn khó khăn hơn trong 30 năm nữa”. ông viết.

Từ năm 2000 đến 2019, tuổi thọ trung bình trên toàn cầu tăng từ 67 lên 73 tuổi. Theo ước tính của LHQ đến năm 2050 sẽ có 1/6 số người trên thế giới ở độ tuổi 65 hoặc hơn. Khi dân số già đi, nhiều quốc gia sẽ sớm bước vào giai đoạn mà số người rời khỏi lực lượng lao động nhiều hơn là số người gia nhập. Tại Vương quốc Anh, điều này có thể xảy ra vào năm 2029, trong khi ở Brazil là năm 2035, tại Ấn Độ là năm 2048, và ở Mỹ là năm 2053. 

Trung Quốc lần đầu tiên tăng tuổi hưu
Mới đây nhất, theo CNBC, Trung Quốc công bố chính sách sẽ tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ ngày 1-1-2025, đánh dấu sự thay đổi đầu tiên về vấn đề này kể từ thập niên 1950. Quyết định được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề lực lượng lao động đang suy giảm và gánh nặng kinh tế do dân số già hóa.
Theo quy định mới, tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc sẽ được điều chỉnh từ 60 lên 63 tuổi đối với nam, từ 55 lên 58 tuổi với nữ làm việc trong các vị trí quản lý, và từ 50 lên 55 tuổi cho nữ trong các công việc khác. Sự thay đổi này sẽ được thực hiện dần dần trong 15 năm với mục tiêu giúp hệ thống lương hưu trở nên bền vững hơn trong bối cảnh dân số già và tỷ lệ sinh giảm. Bên cạnh đó, quy định cũng yêu cầu số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được nhận lương hưu sẽ tăng từ 15 lên 20 năm bắt đầu từ năm 2030. Điều này có nghĩa những người đã đóng bảo hiểm đủ năm có thể nghỉ hưu sớm hơn 3 năm, nhưng sẽ không được trước tuổi nghỉ hưu quy định.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.