Quốc tế

Vì sao Nga thúc đẩy điều chỉnh học thuyết hạt nhân?

08:17, 06/09/2024 (GMT+7)

Nga đang làm rõ hơn cách tiếp cận học thuyết hạt nhân của mình cho phù hợp với tình hình hiện nay, sau những động thái làm gia tăng căng thẳng của các nước phương Tây.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới Krasnoyarsk tại lễ ra mắt ở Severodvinsk, phía bắc của Nga cuối năm 2023. Ảnh: AFP
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới Krasnoyarsk tại lễ ra mắt ở Severodvinsk, phía bắc của Nga cuối năm 2023. Ảnh: AFP

Tân Hoa xã dẫn phát biểu của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở thành phố Vladivostok (Nga) ngày 4-9 thông báo, Nga đang sửa đổi học thuyết hạt nhân hiện tại và phát triển các cách tiếp cận mới để ứng phó với tình hình hiện tại và các hành động của phương Tây. Ông Peskov cho biết, những hành động này bao gồm việc các nước phương Tây từ chối tham gia đối thoại với Nga, việc họ tấn công vào lợi ích và an ninh của Nga, vai trò của họ trong việc kích động tiếp tục xung đột ở Ukraine. “Điều này không thể không có hậu quả. Tất cả những điều này đang được Moscow xem xét và sẽ tạo thành cơ sở cho các đề xuất sẽ được xây dựng”, ông Peskov nói.

Reuters nhận định, phát biểu của ông Peskov là lời giải thích chi tiết nhất cho đến nay của Nga về lý do nước này điều chỉnh học thuyết hạt nhân. Ông Peskov cáo buộc Mỹ đã phá hủy cấu trúc an ninh châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh và tuyên bố Washington chính là đạo diễn của quá trình gây căng thẳng.

Trước đó, RIA dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Andrei Kartapolov cho biết: “Nếu chúng tôi thấy rằng thách thức và mối đe dọa gia tăng, chúng tôi có thể thay đổi một số điều trong học thuyết hạt nhân, về thời điểm và điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân”. Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) vào tháng 6-2024, Tổng thống Putin cũng cho biết, ông không loại trừ khả năng thay đổi học thuyết hạt nhân về điều kiện sử dụng loại vũ khí này.

Thực tế, trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn tiếp tục dồn mọi nỗ lực hỗ trợ về tài chính và quân sự chưa từng có cho Ukraine để ứng phó với Nga một cách toàn diện và có hệ thống. Trong bối cảnh đó, Nga không ít lần lên tiếng cảnh báo rằng việc cố tình làm suy yếu nước Nga là điều không thể bởi quốc gia này có đủ tiềm lực, kể cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự tồn vong của mình. Một số nhà phân tích quân sự theo đường lối cứng rắn của Nga cũng kêu gọi Tổng thống Putin hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, nhằm khiến cho đối phương sớm “tỉnh ngộ”.

Cùng với đó, Nga liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến lược để kiểm tra sự sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này. Tháng 5-2024 khi Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết Tổng thống Putin đã lệnh cho Bộ tổng tham mưu quân đội Nga tiến hành diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật và nhấn mạnh đây là “biện pháp phản ứng với những tuyên bố khiêu khích và lời đe dọa nhằm vào Nga từ một số quan chức phương Tây”, theo RIA. Trước động thái này, cựu Trung tá Earl Rasmussen, người từng làm việc trong quân đội Mỹ 20 năm nhận định với RIA: “Về cơ bản, Nga đang gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ chuẩn bị, họ sẽ huấn luyện, họ sẽ sẵn sàng, nếu cần thiết. Họ không muốn dùng vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ bảo vệ nhà nước Nga”.

Hiện, chưa rõ học thuyết này sẽ được điều chỉnh ở phạm vi nào nhưng các nhà quan sát dự đoán Nga sẽ hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Trước diễn biến đó, theo newsweek.com, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh kêu gọi các bên giữ bình tĩnh và kiềm chế, nhấn mạnh rằng cần thúc đẩy đối thoại để giảm căng thẳng và rủi ro chiến lược. Bà cũng nhắc lại tuyên bố chung của năm quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ - về việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân được công bố vào ngày 3-1-2022, ngay trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong tuyên bố chung, các nước khẳng định rằng “không thể giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và không bao giờ được phép xảy ra”. Tài liệu này cũng nhấn mạnh việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra hậu quả sâu rộng và vũ khí này chỉ nên phục vụ mục đích phòng thủ, ngăn chặn bị tấn công và ngăn ngừa chiến tranh.

Học thuyết hạt nhân hiện nay của Nga được nêu trong sắc lệnh năm 2020 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị kẻ thù tấn công bằng vũ khí nguyên tử hoặc vũ khí thông thường nhưng có khả năng đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga hiện duy trì kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 4.380 đầu đạn, tiếp theo là Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh.

LÊ MINH HÙNG 

.