Quốc tế

Lượng phát thải của giới siêu giàu tác động toàn cầu ra sao?

07:42, 29/10/2024 (GMT+7)

Nghiên cứu mới nhất của tổ chức Oxfam chỉ ra một thực trạng đáng lo: lượng khí thải cực lớn của những người giàu nhất thế giới, đến từ lối sống xa hoa và thậm chí còn nhiều hơn nữa từ các khoản đầu tư gây ô nhiễm của họ, đang tiếp tay bất bình đẳng, nghèo đói.

Máy bay cá nhân của các tỷ phú thế giới là tác nhân gây phát thải khí carbon rất lớn.  Ảnh: Internet
Máy bay cá nhân của các tỷ phú thế giới là tác nhân gây phát thải khí carbon rất lớn. Ảnh: Internet

Bất bình đẳng về phát thải carbon

Theo The Guardian, báo cáo của tổ chức Oxfam (tổ chức toàn cầu đấu tranh chống bất bình đẳng để chấm dứt đói nghèo và bất công) phát hiện lượng khí thải carbon ở mức cao của 1% dân số giàu nhất thế giới, tương đương hơn 70 triệu người, đang làm trầm trọng thêm nạn đói, nghèo và thậm chí sức khỏe toàn cầu. 

Phân tích của Oxfam cho biết, nếu mọi người trên trái đất thải ra khí làm nóng hành tinh với tốc độ tương đương với một tỷ phú trung bình, thì ngân sách carbon còn lại để duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,50C sẽ cạn kiệt trong vòng chưa đầy 2 ngày, thay vì ước tính 4 năm nếu lượng khí thải vẫn cao như hiện nay. Ngân sách carbon đo lường lượng CO₂ được sản xuất bởi ngành công nghiệp, hộ gia đình và tất cả các bộ phận khác của nền kinh tế để tính toán lượng khí thải phải cắt giảm trong tương lai, hướng đến mục tiêu là đạt được mức phát thải ròng bằng 0.

Nghiên cứu phát hiện, trong vòng chưa đầy 3 giờ đồng hồ, 50 tỷ phú giàu nhất thế giới thải ra lượng khí thải carbon trung bình nhiều hơn so với lượng khí thải carbon trung bình trong cuộc đời của một người bình thường ở Anh. Trung bình, họ thực hiện 184 chuyến bay tổng cộng 425 giờ bằng chuyên cơ tư nhân trong một năm, phát thải lượng khí tương đương mức của một người trên thế giới trong 300 năm. Oxfam đưa sự so sánh thú vị: 2 máy bay phản lực của tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla, thải ra lượng carbon trong một năm bằng lượng khí thải của một người bình thường trong 834 năm. Tương tự, 3 du thuyền của gia đình Walton thừa kế chuỗi bán lẻ Walmart có tổng lượng khí thải carbon trong một năm là 18.000 tấn, một lượng tương đương với 1.714 nhân viên cửa hàng Walmart.

Một phát hiện đáng chú ý khác là lượng khí thải nhà kính từ các khoản đầu tư của những người siêu giàu còn gây ô nhiễm hơn nhiều, cao gấp 340 lần so với từ du thuyền và chuyên cơ riêng. Trung bình, danh mục đầu tư của 50 tỷ phú gây ô nhiễm gần gấp đôi so với khoản đầu tư vào chỉ số chứng khoán chính của Mỹ. Họ nắm giữ gần 40% cổ phần trong các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp phát thải nhiều như dầu mỏ, khai khoáng, vận chuyển và xi măng. Thậm chí, nhiều công ty trong số này thuê những người vận động hành lang nhằm trì hoãn hoặc phá vỡ cam kết về khí hậu.

Tác động tiềm tàng

Báo cáo cũng dự đoán những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng bất bình đẳng về phát thải carbon hiện nay. Trong thế kỷ tới, lượng khí thải tiêu dùng của nhóm 1% dân số giàu nhất thế giới trong giai đoạn 2015-2019 dẫn đến 1,5 triệu ca tử vong vượt mức. Lượng khí thải tiêu dùng trong 3 thập niên qua của nhóm người giàu có này khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm 2.900 tỷ USD và thiệt hại mùa màng tương đương nhu cầu calo của 14,5 triệu người mỗi năm.

Những phát hiện nói trên tiếp nối một loạt báo cáo về bất bình đẳng carbon hằng năm của Oxfam và Viện Môi trường Stockholm. Theo báo cáo năm ngoái, 1% người giàu nhất, chủ yếu ở các nước Bắc bán cầu - thải ra lượng ô nhiễm carbon nhiều như 5 tỷ người chiếm 2/3 dân số thế giới nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, chủ yếu sống ở các quốc gia nghèo hơn ở Nam bán cầu. Báo cáo năm nay càng nhấn mạnh tính cấp bách trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và bất bình đẳng, cùng với thuế carbon đối với các ngành công nghiệp phát thải cao, thuế thu nhập cao hơn đối với những người siêu giàu và hạn chế sử dụng máy bay phản lực tư nhân và du thuyền sang trọng.

The Guardian dẫn lời bà Chiara Liguori, cố vấn chính sách công lý khí hậu cấp cao của Oxfam, nhấn mạnh: “Thuế công bằng hơn đối với những người cực kỳ giàu có là rất quan trọng để thúc đẩy hành động vì khí hậu và chống lại bất bình đẳng - bắt đầu với việc sử dụng máy bay tư nhân và du thuyền. Rõ ràng là những món đồ chơi xa xỉ này không chỉ là biểu tượng của sự dư thừa, chúng còn là mối đe dọa trực tiếp đối với con người và hành tinh”.

Trong nỗ lực mới nhất, Oxfam đang kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves tăng thuế đối với “sự giàu có cực độ gây ô nhiễm khí hậu” để gây quỹ góp phần xoa dịu cuộc khủng hoảng khí hậu, trong đó tài trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, bồi thường cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng nóng lên toàn cầu.

Người giàu có thể làm gì để chung tay cứu hành tinh khỏi biến đổi khí hậu cực đoan? Theo CNN, ngoài việc điều chỉnh cách chi tiêu khôn ngoan, họ có thể tránh đầu tư vào ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Nếu họ chuyển các khoản nắm giữ của mình sang các quỹ có cường độ carbon thấp, lượng khí thải đầu tư của họ sẽ thấp hơn 13 lần. Ngoài ra, các tổ chức môi trường kêu gọi giới siêu giàu tăng cường tài trợ các chương trình nghiên cứu khí hậu. Đơn cử, nhà sáng lập Microsoft Bill Gates đã cam kết dành 2 tỷ USD để tài trợ nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch.

THƯ LÊ

.