Quốc tế
Các công ty công nghệ kêu gọi Úc hoãn dự luật cấm trẻ em dùng mạng xã hội
Ngày 26-11, Google và Meta, chủ sở hữu của mạng xã hội Facebook, kêu gọi Chính phủ Úc hoãn dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng hầu hết các mạng xã hội; đồng thời cho biết cần thêm thời gian để đánh giá tác động tiềm ẩn của dự luật này.
Theo CNN, Google và Meta kêu gọi Chính phủ Úc nên chờ đợi kết quả thử nghiệm xác minh độ tuổi áp dụng quy định trên trước khi thông qua dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Hệ thống xác minh độ tuổi có thể bao gồm sinh trắc học hoặc nhận dạng của chính phủ để thực thi giới hạn độ tuổi trên phương tiện truyền thông xã hội. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese muốn thông qua dự luật vào ngày 28-11 nhằm kiểm soát chặt chẽ nhất đối với việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của trẻ em.
Meta lập luận rằng nếu không có kết quả thử nghiệm xác minh độ tuổi, các mạng xã hội và cả người dân Úc sẽ không hiểu được bản chất hoặc quy mô của việc cần phải bảo đảm độ tuổi người dùng cũng như tác động từ biện pháp này. “Dưới hình thức hiện tại, dự luật này không nhất quán và không hiệu quả”, đại diện Meta khẳng định trong cuộc trao đổi với Reuters. Tuy nhiên, cả Google và Meta cũng cảnh báo rằng việc áp dụng các biện pháp xác minh độ tuổi có thể làm gián đoạn trải nghiệm người dùng và đặt ra thách thức lớn về quyền riêng tư. Trong khi đó, việc sử dụng dữ liệu sinh trắc học hoặc thông tin định danh có thể làm gia tăng rủi ro bảo mật và tạo ra gánh nặng đáng kể cho cả nền tảng mạng xã hội và người dùng.
Dự luật kể trên nếu được thông qua thành luật, buộc các nền tảng truyền thông xã hội phải thực hiện các biện pháp hợp lý để bảo vệ những trẻ em đã được xác minh độ tuổi. Các công ty truyền thông xã hội có thể bị phạt tới 49,5 triệu AUD (32 triệu USD) nếu vi phạm. Theo CNN, đảng Tự do đối lập dự kiến ủng hộ dự luật mặc dù một số nhà lập pháp độc lập đã cáo buộc chính phủ vội vàng thông qua toàn bộ quá trình trong khoảng một tuần.
Theo truyền thông quốc tế, dự luật này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. TikTok cho biết, dự luật thiếu rõ ràng và họ có mối quan ngại đáng kể khi kế hoạch này của Chính phủ Úc không có sự tham vấn chi tiết với các chuyên gia, nền tảng truyền thông xã hội, tổ chức sức khỏe tâm thần và chính đối tượng trẻ em được áp dụng.
“Khi chính sách mới được đưa ra, điều quan trọng là luật phải được soạn thảo một cách kỹ lưỡng để bảo đảm có thể đạt được mục đích như đã đề ra. Điều này không xảy ra đối với dự luật của Chính phủ Úc”, TikTok cho biết. Trong khi đó, theo Reuters, ông Elon Musk, chủ sở hữu mạng xã hội X, lo ngại dự luật sẽ tác động tiêu cực đến quyền con người của trẻ em và thanh, thiếu niên, bao gồm quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin. Tuần trước ông chỉ trích dự luật này có vẻ như là một cách gián tiếp để kiểm soát quyền truy cập internet.
Việc thiếu tham vấn cũng là chủ đề bị chỉ trích trong suốt thời gian qua tại Úc. Hội đồng công nghệ Úc chỉ trích dự luật có thể khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp lo ngại lĩnh vực công nghệ nước này hoạt động trong môi trường quản lý không chắc chắn và có thể phải chịu sự thay đổi nhanh chóng của luật pháp mà không được cân nhắc kỹ lưỡng. CNN dẫn lời Ủy viên Ủy ban Gia đình và Trẻ em Queensland, Luke Twyford, cho biết, phản hồi về dự luật từ Hội đồng Thanh niên Queensland là họ cảm thấy bị bỏ rơi trong quá trình này.
Cũng theo CNN, dự luật vẫn nhận được khá nhiều sự đồng tình, hưởng ứng từ một số chuyên gia. Ông Pendergast, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty đào tạo an toàn mạng toàn cầu Safe on Social, từng phản đối lệnh cấm trẻ em sử dụng mạng xã hội, nhưng giờ bà hoàn toàn ủng hộ tính cấp thiết phải thông qua dự luật.
Việc Google và Meta lên tiếng phản đối là dấu hiệu cho thấy các công ty công nghệ sẽ không dễ dàng chấp nhận những thay đổi lớn mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Dư luận chờ đợi liệu Chính phủ Úc có tiếp thu và điều chỉnh kế hoạch để đạt được sự đồng thuận rộng rãi hay sẽ kiên quyết ban hành luật này đúng thời hạn hay không.
HÙNG LÂM