Quốc tế
Công trình vật liệu tái chế ở Libya: Biểu tượng của khát vọng đổi thay
Giữa lòng thủ đô Tripoli (Libya), có một quán cà phê với vẻ ngoài hiện đại nhưng bên trong lại là cả một thế giới sống động, được xây dựng hoàn toàn từ các vật liệu tái chế.
Trẻ em vui chơi trong sân chơi của quán cà phê được làm bằng vật liệu tái chế. Ảnh: Mahmud Turkia/AFP |
Đó là Lamma, địa điểm không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu của mọi người sau những giờ làm việc căng thẳng, mà còn là biểu tượng của ý thức sống xanh bền vững ở một đất nước còn nhiều bất ổn.
Đúng như ý nghĩa “tụ họp” hay “gặp gỡ” của chữ “lamma” trong tiếng Ả Rập, quán cà phê mang tên Lamma giờ đây đã trở thành nơi kết nối cộng đồng, đồng thời là không gian nghệ thuật với phòng triển lãm dành cho các nghệ sĩ Libya và các sự kiện, hội thảo sáng tạo. Tuy nhiên, mục tiêu chính của Lamma, như lời nhà sáng lập, kiến trúc sư Louay Omran Burwais, là khuyến khích người dân Libya hướng đến lối sống thân thiện với môi trường trong bối cảnh các sáng kiến xanh còn rất hiếm hoi tại đây.
“Chúng tôi sử dụng các vật liệu bị bỏ lại trên đường phố, như cao su từ lốp xe, gỗ từ cây đổ và phế thải xây dựng. Ý tưởng là để mọi người thấy rằng những thứ tưởng chừng vô dụng, xấu xí đều có giá trị nếu chúng ta biết cách tái chế”, kiến trúc sư Burwais chia sẻ với The Independent.
Libya từng bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ trong cuộc nổi dậy do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn. Hậu quả là những năm dài xung đột giữa các lực lượng dân quân, lính đánh thuê và các nhóm thánh chiến. Cho đến nay, đất nước này vẫn bị chia rẽ quyền lực giữa chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận và một chính quyền đối lập ở miền đông nước này.
Trong bối cảnh ấy, Lamma vươn lên như tia sáng nhỏ bé nhưng đầy mạnh mẽ, thắp lên hy vọng về sự đổi thay trong tư duy cộng đồng. Bước qua cánh cửa hẹp của quán, du khách lập tức bị cuốn vào một thế giới đầy màu sắc rực rỡ, nơi các hình khối được sắp đặt tinh tế tạo nên không gian vừa độc đáo vừa cuốn hút. Những bức tường sống động với cây xanh phủ kín, đan xen cùng mạng lưới kim loại tái chế độc đáo, tạo nên một không gian vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa giàu tính nghệ thuật. Xen lẫn đó là những góc nhỏ đầy sáng tạo và các đường trượt thú vị, nơi trẻ em có thể thỏa sức khám phá và vui chơi trong niềm hứng khởi.
Vào mỗi thứ Năm, ngày đầu tiên của cuối tuần ở Libya, Lamma tổ chức các hội thảo nghệ thuật cho trẻ em, thu hút nhiều gia đình tham gia. Quán còn có một thư viện nhỏ để khách mượn sách, tạo nên không gian học tập và thư giãn lý tưởng.
Kiến trúc sư Burwais và đội ngũ của mình hy vọng rằng các thói quen tái chế và lối sống xanh sẽ dần được lan tỏa tại Libya - nơi hiện chưa có cơ sở tái chế nào. Những vật dụng thường ngày quen thuộc được tái chế trong không gian của Lamma không chỉ làm đẹp cho quán mà còn thay đổi cách nhìn của người dân về giá trị của chúng. “Chúng tôi muốn khuyến khích một tư duy mới, để mọi người nhìn thấy tiềm năng từ những thứ họ từng xem là rác”, anh Burwais giải thích.
“Ở Libya không có nơi nào giống như thế này. Mọi thứ ở đây đều xoay quanh chủ đề mà chúng tôi coi trọng nhất: tái chế”, chị Roula Ajjawi, giám đốc nghệ thuật của Lamma, tự hào chia sẻ với AFP. Hiện, rác thải nhựa, kim loại và thủy tinh, tàn tích của hơn thập niên khủng hoảng, vẫn chất đống trên đường phố, bị bỏ hoang trong tự nhiên hoặc trôi dạt ra biển Địa Trung Hải theo dòng mưa gió. Nhưng nhờ những sáng kiến sáng tạo như Lamma, những mảnh vụn từng bị coi là vô dụng giờ đây được “hô biến” thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, dần dần khơi dậy sự tò mò và hứng thú của người dân địa phương. Anh Riyad Youssef, một khách quen tại Lamma, bày tỏ: “Tôi yêu nơi này. Đồ ăn ngon, dịch vụ tuyệt vời, và hơn hết là cam kết giảm thiểu rác thải. Mọi ý tưởng ở đây đều rất tuyệt vời”.
Giữa một đất nước còn chồng chất nhiều khó khăn, Lamma không chỉ đơn thuần là một quán cà phê, mà đã trở thành biểu tượng của hy vọng và khát vọng đổi thay. Nơi đây minh chứng rằng, ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, con người vẫn có thể tái tạo và sáng tạo, biến khó khăn thành cơ hội để bảo vệ môi trường và cùng nhau xây dựng một cộng đồng bền vững, đầy cảm hứng.
Lamma không chỉ khuyến khích tái chế, mà còn mở ra một không gian để người dân Libya cùng mơ về một tương lai tươi sáng hơn, nơi những gì bị lãng quên sẽ được tái sinh thành những giá trị mới.
TRẦN ĐẮC LUÂN