Quốc tế

Cuba biểu tình phản đối Mỹ cấm vận

08:25, 23/12/2024 (GMT+7)

Lãnh đạo Cuba cùng hàng trăm nghìn người dân tham gia biểu tình tại Havana nhằm phản đối lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ đối với quốc đảo vùng Caribe.

Lãnh đạo Cuba và người dân đi bộ dọc bờ biển Malecon trong cuộc biểu tình ở Havana vào ngày 20-12. Ảnh: China Daily
Lãnh đạo Cuba và người dân đi bộ dọc bờ biển Malecon trong cuộc biểu tình ở Havana vào ngày 20-12. Ảnh: China Daily

Theo Tân Hoa Xã, có khoảng 700.000 người từ mọi tầng lớp trong xã hội đã tham gia biểu tình tại Havana trong ngày 20-12. Đây là cuộc biểu tình lớn đầu tiên sau nhiều năm bên ngoài phái bộ ngoại giao Mỹ để lên án lệnh cấm vận. Dẫn đầu đoàn tuần hành là Đại tướng Raul Castro - lãnh tụ Cách mạng Cuba và Chủ tịch Miguel Díaz-Canel Bermúdez. Cuộc tuần hành lớn này được Chủ tịch Díaz-Canel kêu gọi vào đầu tuần trước để chứng minh sự phản đối hoàn toàn và tuyệt đối của người dân Cuba đối việc Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kéo dài 6 thập kỷ cũng như đưa quốc đảo này vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố (SSoT), những hành động gây ra sự tàn phá cho nền kinh tế Cuba.

Theo Prensa Latina, Chủ tịch Díaz-Canel mở đầu cuộc tuần hành quy mô lớn này bằng những lời chỉ trích chính quyền sắp mãn nhiệm của Tống thống Joe Biden vì đã không đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump (2017-2021) như từng hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. “Chúng tôi đang tuần hành để nói với chính phủ Mỹ rằng hãy để người dân Cuba sống trong hòa bình. Đả đảo sự can thiệp”, Chủ tịch Díaz-Canel nói trước đám đông tại cuộc biểu tình. Với việc thực hiện 243 biện pháp bổ sung và duy trì việc đưa Cuba trong danh sách SSoT, ông Biden đã tiếp tục các chính sách hà khắc mà ông Trump đã phê duyệt trong nhiệm kỳ của mình.

Theo truyền thông Cuba, nhiều nhân viên y tế đã tham gia cuộc biểu tình. Trong số đó, sinh viên y khoa Kevin Perez nhấn mạnh đến thiệt hại mà các chính sách của Mỹ đã gây ra cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Cuba. “Chăm sóc sức khỏe là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất”, Tân Hoa Xã dẫn lời Perez. Đáng chú ý, sinh viên người Colombia Silvia Juliana Casadiego ca ngợi tinh thần đoàn kết toàn cầu của Cuba và lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ. “Bất chấp những khó khăn, Cuba luôn dang rộng vòng tay giúp đỡ, không chỉ Colombia mà còn toàn bộ châu Mỹ Latinh”, Casadiego nói.

Yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận kéo dài hơn 60 năm của Mỹ đối với Cuba và đưa quốc gia này khỏi danh sách SSoT đã trở nên cấp thiết hơn nữa trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng trên quốc đảo này. Lệnh cấm vận của Mỹ khiến năm 2024 trở thành một trong những năm khó khăn nhất đối với Cuba. Trong những tháng gần đây, Cuba đã phải chịu một loạt các vụ mất điện do thách thức lớn trong việc tiếp cận nhiên liệu để duy trì hoạt động của các nhà máy điện.

Đáng chú ý, cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị chuyển giao quyền lực với sự quay trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 1-2025 càng làm dấy lên lo ngại về chính sách đơn phương khắc nghiệt hơn có thể được áp dụng dưới thời Trump 2.0. Khi thương mại quốc tế gặp trở ngại và giao dịch tài chính bị cản trở do lệnh cấm vận, người dân Cuba khó tiếp cận thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu, hàng hóa, vật tư và hàng hóa thiết yếu. Hiện các quan chức Cuba đã chuẩn bị tinh thần cho các lệnh cấm vận mới mà ông Trump có thể ban hành trong nhiệm kỳ tới.

Theo People Dispatch, ngày 17-12, Bộ Ngoại giao Cuba tái khẳng định sẵn sàng đối thoại với Tổng thống đắc cử Trump khi ông nhậm chức vào tháng 1-2025, nhằm cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia. Tiếp đến, ngày 21-12, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Cuba trong năm 2024, Chủ tịch Díaz-Canel khẳng định Cuba không hề có chút thái độ thù địch nào đối với người dân Mỹ; sẵn sàng đàm phán và thúc đẩy quan hệ tôn trọng và bình đẳng với Mỹ, nhưng sẽ không cho phép bất kỳ nỗ lực can thiệp nào vào công việc nội bộ của mình. Ông nhấn mạnh sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với lệnh cấm vận kinh tế do Mỹ áp đặt, điều này đã được chứng minh tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu của nhiều nước ủng hộ việc đưa Cuba ra khỏi danh sách SSoT của Mỹ.

Nỗ lực ngoại giao
Chủ tịch Cuba Díaz-Canel chỉ ra rằng, bất chấp những nỗ lực gây sức ép tối đa nhằm cô lập của Mỹ, Cuba duy trì mối quan hệ tốt với tất cả các quốc gia thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và đã xin gia nhập nhóm với tư cách là quốc gia đối tác. Đây là minh chứng mới nhất về sự đồng thuận và hợp tác kết hợp tiềm năng kinh tế, năng suất, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên to lớn. Năm 2024 quốc đảo Caribe này nhận được sự ủng hộ và củng cố quan hệ thân thiết với Trung Quốc, Lào…; xác định tiềm năng tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại với Liên minh Á-Âu và đạt được những tiến bộ quan trọng trong quan hệ với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Chính sách đối ngoại của Cuba vẫn dựa trên các lập trường nguyên tắc, bảo vệ hòa bình, thúc đẩy đoàn kết và chủ nghĩa quốc tế, tìm kiếm các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các quốc gia.

THƯ LÊ

.