Đà Nẵng cuối tuần
Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc
Phát triển kinh tế xanh bền vững là điều tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Hàn Quốc, với những chính sách cụ thể và thành tựu đạt được qua hai kế hoạch Tăng trưởng Xanh, đã mang đến những kinh nghiệm hữu ích cho các quốc gia khác.
Các em nhỏ đang vui chơi với quả bóng bay khổng lồ tại sự kiện thúc đẩy phát thải carbon bằng 0 ở miền nam Seoul, ngày 10-12-2023. Ảnh: Yonhap |
Câu chuyện này đã được TS. Đinh Thị Lý Vân và Phạm Tuyết Nhượt trình bày cụ thể trong báo cáo khoa học "Kế hoạch Tăng trưởng Xanh 5 năm lần thứ hai (2014-2018) của Hàn Quốc và mô hình ứng dụng cho thực tiễn phát triển kinh tế xanh của Việt Nam" tại hội thảo quốc tế “Quan hệ bang giao hướng tới hợp tác dài hạn trong bối cảnh quốc tế từ góc nhìn lịch sử và văn hóa” do Đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức vừa qua.
Thành công của Hàn Quốc
Giai đoạn 2014-2018, Hàn Quốc triển khai hàng loạt sáng kiến nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện hơn với môi trường, bao gồm phát triển công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và giao thông thông minh. Một trong những điểm sáng nổi bật là hệ thống giao dịch phát thải (Emission Trading Scheme - ETS) được áp dụng từ năm 2015. Đây là cơ chế mua bán hạn mức phát thải, cho phép các doanh nghiệp có thể mua và bán lượng phát thải theo nhu cầu. Hệ thống ETS nhanh chóng trở thành yếu tố quan trọng trong thị trường môi trường của Hàn Quốc, với khối lượng giao dịch đạt 1,3 nghìn tỷ won (943,67 triệu USD) và xử lý khoảng 44 triệu tấn phát thải chỉ trong năm 2020.
Ngoài ETS, Hàn Quốc còn triển khai các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Sự tăng trưởng năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp lớn vào việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn là nền tảng để Hàn Quốc phát triển một nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhập khẩu.
Hàn Quốc còn đặt ra mục tiêu chuyển đổi xanh ngay tại các khu vực địa phương với mô hình "Thị trấn năng lượng thân thiện với môi trường”. Dự án điển hình tại Hongcheon đã giúp người dân địa phương gia tăng thu nhập từ việc tham gia sản xuất năng lượng mặt trời, cung cấp khí đô thị và vận hành các hệ thống phát điện từ năng lượng sạch.
Bài học phát triển bền vững
Hệ thống ETS vận hành như thế nào? Được triển khai từ năm 2015 tại Hàn Quốc, hệ thống hoạt động theo nguyên tắc "hạn ngạch và giao dịch" (cap-and-trade). Chính phủ đặt ra một mức giới hạn tổng lượng khí nhà kính mà các doanh nghiệp được phép phát thải trong một giai đoạn nhất định. Mỗi doanh nghiệp nhận được một số lượng hạn ngạch phát thải tương ứng với mức phát thải cho phép. Giả sử Công ty A được cấp 100.000 tấn CO₂e (tương đương carbon dioxide) cho năm 2016. Trong năm đó, Công ty A chỉ phát thải 90.000 tấn CO₂e, tức là còn dư 10.000 tấn CO₂e. Công ty A có thể bán 10.000 tấn CO₂e này cho Công ty B là doanh nghiệp đã phát thải vượt hạn ngạch và cần mua thêm để tuân thủ quy định. |
Nhìn từ thành công của Hàn Quốc, nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam có thể áp dụng một số sáng kiến thiết thực nhằm hướng tới phát triển bền vững. Trước hết, việc triển khai hệ thống ETS tại Việt Nam sẽ tạo ra nền tảng tài chính bền vững cho các doanh nghiệp, khuyến khích họ tích cực giảm phát thải.
Việt Nam cần tập trung phát triển năng lượng tái tạo, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như năng lượng mặt trời và gió. Động thái này không chỉ giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu mà còn ổn định nguồn cung, tăng khả năng tự chủ trong những giai đoạn biến động.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giao thông xanh. Chính phủ Hàn Quốc đã tăng số lượng xe điện từ 780 chiếc năm 2013 lên 31.696 chiếc vào năm 2018 và phát triển cơ sở hạ tầng với 766 điểm sạc nhanh trên toàn quốc. Những thay đổi này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn lan tỏa thói quen sống xanh, thân thiện với môi trường. Việt Nam có thể áp dụng cách tiếp cận tương tự, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xe điện và tăng cường các chính sách khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông xanh.
Ngoài những sáng kiến phát triển xanh trong nước, chúng ta cũng cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hàn Quốc, với các chính sách hỗ trợ phát triển quốc tế (ODA), đã đầu tư và hỗ trợ nhiều nước đang phát triển thực hiện các dự án tăng trưởng xanh, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường và giảm thiểu khí thải. Việc tăng cường hợp tác với các quốc gia phát triển như Hàn Quốc không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ tiên tiến mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia.
ĐIỆN PHƯỚC