Quốc tế
Thành tựu đột phá trong điều trị ung thư
Gần đây, Nga tuyên bố phát triển thành công vắc-xin điều trị ung thư trong khi Úc chứng minh rằng có thể sử dụng công cụ chỉnh sửa gene để vô hiệu hóa các đột biến gene gây ung thư. Đây là những bước đột phá quan trọng, mở ra hy vọng mới trong việc chống lại căn bệnh nguy hiểm này.
TASS dẫn lời ông Andrei Kaprin, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu y học quốc gia về X-quang (Bộ Y tế Nga) cho biết, Nga đã phát triển vắc-xin mRNA điều trị ung thư của riêng mình mang tên EnteroMix. Đây là loại vắc-xin điều trị, được tạo ra trên cơ sở công nghệ mRNA vốn được các nhà sản xuất thuốc Pfizer và Moderna sử dụng để sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19. Theo đó, thuốc được đưa vào tế bào người và sau đó chúng tạo ra các bản sao của protein tăng đột biến của virus. Tuy nhiên, thay vì phòng ngừa, vắc-xin này tập trung điều trị, kiểm soát khối u và di căn ở bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc ung thư.
Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya cho biết, thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy vắc-xin này ngăn chặn sự phát triển của khối u và di căn tiềm ẩn. “Trong quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng, khối u ác tính biến mất và ngay cả tình trạng di căn cũng bị loại bỏ. Tôi không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ đưa thêm bệnh nhân tham gia ở giai đoạn thử nghiệm tiếp theo”, TASS dẫn lời ông Gintsburg. Điều thú vị ở chỗ vắc-xin ung thư sẽ được “cá nhân hóa”, nghĩa là vắc-xin sẽ được sản xuất riêng cho từng bệnh nhân. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hỗ trợ phát triển vắc-xin bằng cách phân tích các thông tin về khối u và tạo ra “bản thiết kế” cho vắc-xin trong tương lai. Dựa trên điều này, các chuyên gia sẽ sản xuất vắc-xin trong vòng 1 tuần.
Sau khi thành công với các thử nghiệm tiền lâm sàng, Bộ Y tế Nga và Cơ quan quản lý y tế liên bang đã cấp phép tuyển dụng các nhóm nghiên cứu để tiến hành thử nghiệm lâm sàng, hướng tới điều trị ung thư phổi, thận, tụy và các khối u ác tính. Các viện ung thư sẽ tham gia quá trình thử nghiệm này. Theo kế hoạch, vắc-xin dự kiến được đưa vào lưu hành rộng rãi đầu năm 2025. Theo đó, các bệnh nhân Nga từ 18 đến 75 tuổi có thể tham gia tiêm vắc-xin với mỗi liều tốn khoảng 300.000 Ruble (3.000 USD), nhưng Chính phủ Nga sẽ cung cấp miễn phí cho các bệnh nhân tại quốc gia này.
Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, các nhà nghiên cứu tại Úc mới đây chứng minh có thể sử dụng công cụ chỉnh sửa gene mạnh mẽ CRISPR để vô hiệu hóa các đột biến gene gây ung thư. Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Peter MacCallum ở thành phố Melbourne sử dụng protein Cas13 để kích hoạt CRISPR, công nghệ được các nhà khoa học sử dụng để nhắm mục tiêu, vô hiệu hóa hoặc chỉnh sửa ADN cụ thể trong tế bào, nhắm mục tiêu axit ribonucleic (RNA) chứ không phải ADN. CRISPR-Cas13 có thể làm suy giảm có chọn lọc các bản phiên mã RNA đột biến, trong khi vẫn giữ lại phiên bản bình thường, không bị đột biến của gene được tìm thấy trong tế bào khỏe mạnh.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Mohamed Farah, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết, SNV nổi tiếng là khó nhắm mục tiêu bằng các loại thuốc thông thường. Với sự phát triển, nền tảng này có thể thay đổi cách điều trị các bệnh ung thư do các đột biến khó nhắm mục tiêu gây ra. Độ chính xác và khả năng thích ứng của hệ thống này cũng mở cánh cửa mới cho phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa phù hợp với hồ sơ di truyền độc đáo của mỗi cá nhân. Theo ông Farah, phương pháp này được phát hiện để làm vô hiệu SNV với mức độ chính xác và linh hoạt chưa từng có trong điều kiện phòng thí nghiệm, nhưng cần phải nghiên cứu thêm trước khi có thể thử nghiệm trên người.
NGHI VĂN