Quốc tế

Mỹ, Panama tranh luận về phí qua kênh đào

08:29, 24/12/2024 (GMT+7)

Ngày 22-12, Tổng thống Panama José Raúl Mulino tái khẳng định chủ quyền của nước này với kênh đào Panama sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất nước này “trả lại” tuyến đường thương mại quan trọng này cho Mỹ kiểm soát.

Theo The Hill, trên mạng xã hội X, Tổng thống Mulino khẳng định, mỗi mét vuông của kênh đào Panama và khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục như vậy, đồng thời nhấn mạnh chủ quyền và nền độc lập của Panama là không thể thương lượng. “Kênh đào Panama không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp của cộng đồng châu Âu, Mỹ hay bất kỳ thế lực nào khác. Là một người Panama, tôi cực lực phản đối bất kỳ biểu hiện nào làm sai lệch thực tế này. Panama tôn trọng các quốc gia khác và yêu cầu được tôn trọng”, ông Mulino nói rõ.

Tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mulino được đưa ra sau khi ông Trump cảnh báo sẽ lấy lại quyền kiểm soát của Mỹ đối với kênh đào Panama. Phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở Arizona ngày 21-12, ông Trump cho biết Mỹ đã trao trả kênh đào này cho Panama nhưng đi kèm với các điều khoản. Tuy nhiên, nếu chúng không được tuân thủ, Mỹ sẽ “đòi lại” kênh đào này. Ông Trump viện dẫn việc Panama tính phí quá cao đối với các tàu đi qua kênh đào nổi tiếng này.

Theo The Hill, Panama tính phí đối với tàu thuyền đi qua kênh đào. Phí có thể thay đổi tùy theo kích thước và mục đích của tàu, có thể lên tới 300.000USD, mức phí mà ông Trump cho là vô cùng bất công, nhất là khi xét đến sự hào phóng phi thường mà Mỹ đã dành cho Panama và mong quốc gia Trung Mỹ này phải hiểu thực tế rằng Washinton luôn có lợi ích đầu tư lớn vào hoạt động an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy của kênh đào. Điều đáng nói là bên cạnh tranh cãi về phí sử dụng kênh đào, ông Trump còn bày tỏ lo ngại kênh đào này có thể sẽ phục vụ lợi ích của các nước khác trong khi nó là biểu hiện của sự hợp tác giữa Mỹ - Panama.

Trước cáo buộc của ông Trump, ngày 22-12, Tổng thống Mulino phản bác lại rằng kênh đào này đã phát triển kể từ khi Panama giám sát việc quản lý và mức phí hiện nay là hoàn toàn công bằng, chứ không phải được thiết lập “theo ý thích nhất thời”. Mức phí được đưa ra bàn thảo trong phiên điều trần công khai, có tính đến các điều kiện thị trường, cạnh tranh quốc tế, chi phí vận hành và nhu cầu bảo trì và hiện đại hóa của tuyến đường xuyên đại dương. Đây là cách Panama đạt mục tiêu mở rộng kênh đào vào năm 2016, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại lớn hơn trên tuyến đường thủy này, cũng như toàn thế giới nói chung.

Bất chấp những tranh cãi nói trên, Tổng thống Mulino vẫn hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ bền chặt với chính quyền ông Trump sắp tới và lưu ý một số lĩnh vực hợp tác với Mỹ, bao gồm xử lý tình trạng di cư bất hợp pháp, buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức xuyên biên giới.

Những phát biểu nói trên của ông Trump cho thấy chính sách ngoại giao của Mỹ có thể dịch chuyển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ sắp tới của ông, người thậm chí không ngại đưa ra cảnh báo cứng rắn đối với các nước đồng minh và đối tác. Theo The Independent, kênh đào Panama dài 82km ngang qua eo đất Trung Mỹ là tuyến đường thủy quan trọng đóng vai trò là lối tắt nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cho phép tới 14.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm, chiếm 2,5% hoạt động giao thương đường biển toàn cầu. Nếu không có kênh đào này, các tàu sẽ buộc phải đi xa hơn nhiều quanh mũi Horn ở Nam Mỹ.

Mỹ hiện là khách hàng lớn nhất của kênh đào Panama, chiếm khoảng 3/4 lượng hàng hóa được vận chuyển qua con kênh này mỗi năm, theo sau là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đáng chú ý, Mỹ là nước đóng góp phần lớn nguồn lực để xây dựng kênh đào và quản lý lãnh thổ xung quanh trong nhiều thập kỷ. Việc xây dựng kênh đào Panama bắt đầu vào năm 1904 dưới thời cựu Tổng thống Teddy Roosevelt và hoàn tất xây dựng vào năm 1914. Vào thời điểm đó, đây được coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ. Quyền kiểm soát kênh đào đã được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận được ký kết vào năm 1977 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhưng ông Trump chỉ trích tổng thống thứ 39 đã sai lầm khi trao nó đi với giá một USD. Reuters nhận định, hiện không có một điều khoản nào trong luật pháp quốc tế mà ông Trump có thể dựa vào nếu muốn lấy lại quyền kiểm soát kênh đào này.

THƯ LÊ

.