Quốc tế
Tình hình Syria thêm bất ổn
Ngày 8-12, nhóm phiến quân thánh chiến Hayat Tahrir-al-Sham (HTS) và các lực lượng nổi dậy khác tiến vào Damascus, chiếm quyền kiểm soát thủ đô Syria.
Theo RT, phiến quân thánh chiến tiến vào Damascus và tuyên bố thành phố này “được tự do” khỏi chính quyền của Tổng thống Assad. Thủ tướng Syria Mohammad al-Jalali đã đề nghị hợp tác “với bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân lựa chọn”, đồng thời tuyên bố ông vẫn ở trong nước. Reuters dẫn lời hai sĩ quan quân đội cấp cao Syria cho biết, ông Assad, người đã lãnh đạo quốc gia Trung Đông này trong gần 1/4 thế kỷ, đã rời khỏi thủ đô Damascus vào tối 7-12 đến một địa điểm không xác định.
Từ ngày 27-11, phiến quân tại Syria do HTS dẫn đầu phát động các cuộc tấn công lớn trên một số mặt trận ở Syria, chiếm giữ các thành phố quan trọng như Aleppo và Hama. Chiều 6-12, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thuộc phe nổi dậy đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Deir el-Zor, biến đây trở thành thành phố thứ ba rơi khỏi quyền kiểm soát của Tổng thống Assad chỉ trong vòng một tuần. Ngày 8-12, HTS cho biết, lực lượng nổi dậy đã kiểm soát thành phố Homs ở miền Trung Syria.
Việc chiếm được Homs, một giao lộ quan trọng giữa thủ đô của Syria và Địa Trung Hải, đã cắt đứt hiệu quả kết nối của Damascus với thành trì ven biển của cộng đồng Alawite - nhóm thiểu số ủng hộ Tổng thống al-Assad, cũng như với căn cứ không quân và hải quân của Nga. Việc mất quyền kiểm soát Homs cũng đặt Damascus vào tình thế bị đe dọa nghiêm trọng khi quân nổi dậy tiến nhanh về phía này và thực tế cho thấy lực lượng nổi dậy ngày 8-12 đã tiến vào Damascus buộc ông Assad phải rời đất nước. Quân đội Syria Tự do (FSA) do Mỹ hậu thuẫn đã chiếm quyền kiểm soát di tích cổ Palmyra, trong khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cũng được Mỹ hậu thuẫn chiếm được Deir ez-Zor.
Việc quân nổi dậy tiến vào Damascus và ông Assad rời khỏi thủ đô có thể là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc bất ổn kéo dài hơn một thập kỷ tại Syria. Sự sụp đổ của các thành trì quan trọng sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực lớn, đồng thời mở ra những thách thức mới cho cả các bên trong nước lẫn cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết xung đột và tái thiết Syria.
Trước đó, ngày 7-12, ngoại trưởng của 5 quốc gia Arab, gồm Ai Cập, Qatar, Jordan, Iraq và Saudi Arabia, và những người đồng cấp Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria nhằm chấm dứt hoạt động quân sự và bảo vệ dân thường ở quốc gia Trung Đông.
Theo Reuters, sau cuộc họp diễn ra tại Qatar ngày 7-12, ngoại trưởng của 8 quốc gia này ra tuyên bố: “Khủng hoảng hiện nay ở Syria là diễn biến nguy hiểm đối với sự an toàn của nước này, cũng như an ninh khu vực và quốc tế. Các nỗ lực quốc tế cần phải được tăng cường để cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Syria và bảo đảm khả năng tiếp cận bền vững và không bị cản trở”. Tuyên bố kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự ở Syria để khởi động một tiến trình chính trị toàn diện dựa trên Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, ngày 7-12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lên tiếng phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ vào Syria, theo AP.
NGHI VĂN