Đà Nẵng cuối tuần
Bà Angela Merkel và những khúc ngoặt lịch sử
Cuốn hồi ký Freedom (Tự do) của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel không chỉ là câu chuyện cuộc đời một nữ chính trị gia xuất sắc, mà còn là bức tranh phác họa thế giới chính trị toàn cầu trong suốt hơn một thập kỷ.
Bìa cuốn hồi ký Freedom (Tự do) của cựu thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: LA TIMES |
Trong hơn 700 trang sách, bà Merkel tiết lộ những suy nghĩ sâu sắc về các quyết định chính trị của mình, về những mối quan hệ với các nhà lãnh đạo thế giới và cả những khoảnh khắc cá nhân hiếm hoi. Theo đài DW của Đức, cuốn hồi ký Freedom được phát hành đồng thời bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Pháp và tiếng Anh. Sau khi ra mắt, cựu Thủ tướng Đức 70 tuổi dự kiến sẽ thực hiện một chuyến lưu diễn giới thiệu sách tại các thành phố lớn ở châu Âu. Bà Merkel sẽ đến Washington (Mỹ) vào ngày 2-12 để giới thiệu cuốn sách cùng người bạn của bà: cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Nữ lãnh đạo kiên cường
Bà Angela Merkel được nhìn nhận như là một biểu tượng đặc biệt của nền chính trị hiện đại. Là nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước Đức cho đến nay (giai đoạn 2005-2021), bà đã đối mặt với vô số thách thức chưa từng có trong lịch sử của nền kinh tế đầu tàu châu Â. Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công châu Âu, cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015, cho đến đại dịch Covid-19. Cuốn hồi ký Freedom ra mắt vào cuối năm 2024 khắc họa những nỗ lực và quyết định mà bà từng đưa ra trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
Trong cuốn sách, bà Merkel không né tránh những vấn đề gai góc. Bà dành nhiều trang viết để bảo vệ quyết định mở cửa biên giới Đức vào năm 2015, tiếp nhận hơn một triệu người tị nạn. Quyết định này được bà mô tả là "đúng đắn về mặt đạo đức", mặc dù bà thừa nhận điều này đã góp phần làm gia tăng sự ủng hộ dành cho các đảng cực hữu ở Đức. Bà viết: “Nhân đạo không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đó là điều cần thiết”, đài DW trích dẫn.
Quyết định của bà Merkel được tạp chí Time vinh danh vào năm 2015 khi bà trở thành "Nhân vật của năm". Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist, chính sách này cũng bị chỉ trích dữ dội, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và phong trào cực hữu ngày càng lan rộng ở châu Âu. Dù vậy nhiều người vẫn đánh giá cao vai trò lãnh đạo của bà. Trang Semafor dẫn lời một nhà bình luận trên báo El País (Tây Ban Nha) nhận xét rằng châu Âu đã "chạy loanh quanh như gà mất đầu" kể từ khi bà Merkel rời nhiệm sở.
Những hợp tác và đối đầu
Trong hồi ký, bà Merkel không chỉ nhìn lại nội tình chính trị nước Đức mà còn kể về những mối quan hệ phức tạp với các nhà lãnh đạo lớn như cựu tổng thống và hiện là tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mối quan hệ giữa bà Merkel và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một điểm nhấn đặc biệt trong sách. Bà mô tả ông Trump là người "đầy cảm tính" và có xu hướng “chỉ muốn thắng, bất chấp hậu quả", báo Die Zeit của Đức trích dẫn.
Ông Trump từng gọi NATO là một tổ chức "lỗi thời", khiến bà Merkel phải đấu tranh mạnh mẽ để duy trì quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Bà tin rằng NATO không chỉ bảo vệ châu Âu mà còn mang lại lợi ích lớn cho Mỹ. Trong hồi ký, bà viết: "Sức mạnh của NATO nằm ở sự đoàn kết, và tôi không ngừng nhắc nhở về điều đó”.
Với ông Barack Obama, bà có mối quan hệ thân thiện và chia sẻ cam kết về trật tự toàn cầu sau Thế chiến II. Ông Obama thậm chí đã tham vấn bà về việc liệu có nên tranh cử nhiệm kỳ thứ tư hay không, theo trích dẫn của đài DW.
Sau 16 năm cầm quyền, bà Merkel để lại một di sản phức tạp. Bà được ca ngợi là một nhà lãnh đạo kiên định, người đã giữ châu Âu ổn định qua những thời điểm khó khăn nhất. Nhưng bà cũng đối mặt với nhiều chỉ trích về việc quá phụ thuộc vào năng lượng Nga và thiếu đầu tư vào quân sự. Theo báo Financial Times, cách tiếp cận này khiến Đức rơi vào tình trạng "yếu kém về chiến lược". Bà Merkel đã không né tránh những chỉ trích này trong hồi ký. Bà viết: "Tôi chấp nhận rằng không phải mọi quyết định đều hoàn hảo, nhưng tôi luôn làm với niềm tin rằng đó là điều tốt nhất cho đất nước mình", theo trang Semafor.
Cuốn hồi ký ra mắt vào thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị ở Đức, khi đất nước này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử liên bang sau sự sụp đổ của chính phủ liên minh “đèn giao thông” dưới thời người kế nhiệm bà là Thủ tướng Olaf Scholz. Theo nhà báo và tác giả một cuốn sách tiểu sử về bà Merkel, ông Ralph Bollmann, cuộc bầu cử có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tiếp nhận cuốn sách của bà.
TRẦN ĐẮC LUÂN