Quốc tế
Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza bị phá vỡ
Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza bị phá vỡ vào ngày 18-3 khi Israel tiến hành loạt không kích dữ dội trên khắp dải Gaza, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
![]() |
Một người phụ nữ ngồi trên đống đổ nát của ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc không kích của Israel tại trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Gaza vào ngày 18-3. Ảnh: Eyad Baba/AFP/Getty Images |
Theo AP, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra lệnh cho quân đội hành động nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở Gaza với hàng chục cuộc không kích khắp dải đất ven Địa Trung Hải này. Al Jazeera ngày 18-3 đưa tin, ít nhất 340 người Palestine thiệt mạng, gồm hầu hết trẻ em, phụ nữ, người già cùng với hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc không kích của Israel chỉ trong 1 ngày và số thương vong thậm chí có thể còn tăng thêm. Cơ quan phòng vệ dân sự Gaza cho biết, số thương vong lớn là do các cuộc không kích này nhắm vào nhà dân, trường học và nơi trú ẩn của người tị nạn. Đây là cuộc tấn công dữ dội nhất của Israel tại vùng lãnh thổ này kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1-2025.
Theo AP, Văn phòng Thủ tướng Netanyahu nêu rõ: “Loạt không kích này nhằm phản ứng với việc Hamas liên tục từ chối thả con tin của Israel, cũng như khước từ tất cả đề xuất từ Mỹ và các bên trung gian”. Israel cảnh báo cứng rắn rằng chiến dịch này không có hồi kết và dự kiến mở rộng thông qua các biện pháp quân sự mạnh mẽ hơn với quy mô chưa từng có trước đây nếu Hamas không thả tất cả con tin còn lại. Nhà Trắng cho biết, Israel đã tham vấn chính quyền Tổng thống Donald Trump về loạt không kích mới nhất này. “Hamas, Houthis và các lực lượng gây nguy hiểm cho Israel và cả Mỹ sẽ phải trả giá”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với Fox News.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một thành viên cấp cao của Hamas cáo buộc hành động nói trên cho thấy Israel đơn phương chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn. Al Jazeera dẫn nhận định của chuyên gia lịch sử Abdullah al-Arian tại Đại học Georgetown (Qatar) cho biết, việc Israel biện minh cuộc tấn công nhằm gây sức ép buộc Hamas thả thêm con tin là hoàn toàn vô nghĩa. “Chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của thỏa thuận ngừng bắn, một phần là vì Israel chưa bao giờ cam kết thực hiện nghiêm túc thỏa thuận”.
Theo CNN, Trung Quốc bày tỏ quan ngại về tình hình hiện tại ở Gaza. Ngày 18-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên sẽ nghiêm túc thực hiện liên tục và hiệu quả thỏa thuận ngừng bắn, tránh bất kỳ hành động nào có thể khiến căng thẳng leo thang và phải ngăn chặn thảm họa nhân đạo trên quy mô lớn hơn. Trong khi đó gia đình của những con tin bị giam giữ tại Gaza bày tỏ sự tức giận trước việc chính phủ Israel cố tình trì hoãn kế hoạch đưa con tin trở về và muốn rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn với Hamas. Lực lượng Houthi của Yemen cam kết tăng cường hỗ trợ người Palestine trong bối cảnh đối đầu gia tăng với Mỹ.
Việc Israel giao tranh trở lại chắc chắn làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã tồi tệ ở Gaza. “Rất có thể trong những ngày tới, chúng ta sẽ mất dịch vụ viễn thông, bệnh viện sẽ sụp đổ, sẽ không có nước uống và việc phân phối thực phẩm sẽ bị dừng lại”, bà Shaina Low, cố vấn truyền thông tại Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) nói với CNN. Kể từ khu xung đột nổ ra, có hơn 48.000 người Palestine ở Gaza đã thiệt mạng.
Loạt không kích của Israel diễn ra trong bối cảnh nước này và Hamas vẫn không thể thống nhất về các bước tiếp theo kể từ khi giai đoạn 1 của thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu từ ngày 19-1 và hết hạn ngày 1-3. Trong hai tuần qua, các nước đóng vai trò trung gian gồm Mỹ, Qatar và Ai Cập cố gắng thu hẹp bất đồng giữa Hamas và Israel để tái khởi động đàm phán cho thỏa thuận ngừng bắn để giải thoát con tin, dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhưng chưa đạt bước tiến.
“Nút thắt” nằm ở chỗ Israel muốn gia hạn giai đoạn 1 của thỏa thuận đến giữa tháng 4-2025 và gây sức ép để Hamas phải tiếp tục thả các con tin còn lại nhằm đổi lấy cam kết đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Tuy nhiên, Hamas từ chối đề nghị này và yêu cầu Israel phải ngay lập tức đàm phán về giai đoạn 2 của thỏa thuận, bao gồm việc Israel phải rút hết quân khỏi Gaza, chấm dứt lệnh phong tỏa, tái thiết lãnh thổ và hỗ trợ tài chính. Hamas cũng không mặn mà với đề xuất của Mỹ về việc gia hạn lệnh ngừng bắn giai đoạn 1 thêm vài tuần.
Giới quan sát nhìn nhận, việc mở lại chiến dịch không kích Gaza là chiến thuật vừa tấn công vừa đàm phán của Israel. Nếu Hamas có hành động đáp trả, không loại trừ khả năng Israel có thể huy động lại lực lượng để tiến hành tấn công toàn diện trên bộ, có nguy cơ gây thương vong và tàn phá lớn hơn ở Gaza. Việc Israel phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn có thể làm gián đoạn hoặc trì hoãn các nỗ lực hòa bình và đàm phán trong tương lai giữa hai bên.
Ngoài ra, xung đột Israel - Hamas “tăng nhiệt” có thể ảnh hưởng cục diện an ninh của các quốc gia láng giềng ở Trung Đông. Hamas đã kêu gọi các nước Arab và Hồi giáo ủng hộ thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập khẩn cấp để ban hành một nghị quyết buộc Israel phải chấm dứt hoạt động quân sự. Tình hình nguy cấp hiện nay cần sự can thiệp của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn xung đột leo thang và bảo vệ dân thường trong khu vực.
THƯ LÊ