Quan sát & Bình luận
Rào cản "giấc mơ Trung Hoa" tại châu Phi
Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, Trung Quốc nhanh chóng tiếp cận châu Phi. Kể từ Hội nghị thượng đỉnh Trung - Phi vào tháng 11-2006 đến nay, Trung Quốc đã có thêm hai hội nghị tương tự nhằm đưa ra các cam kết đầu tư và hợp tác. Từ năm 2009, Trung Quốc trở thành bạn hàng lớn nhất của châu Phi. Theo tờ Wall Street Journal, cam kết đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi năm 2014 là 27,7 tỷ USD.
Nhưng điều đáng nói là cùng với các dự án khai thác dầu khí, khoáng sản và xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, các công ty Trung Quốc còn đem theo số lượng lớn lao động của họ đến châu Phi. Hàng trăm ngàn lao động Trung Quốc đã được đưa đến đây để làm những công việc khác nhau…
Phương Tây gọi chính sách mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi là hiếu chiến và so sánh chính sách của Bắc Kinh tương tự chính sách của chủ nghĩa thực dân mới, đồng thời nêu rõ: Trung Quốc đang muốn biến châu Phi thành thuộc địa.
Để đối trọng và ngăn chặn hành động bành trướng của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đã thực hiện chính sách can dự mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ngày 4-8 vừa qua, tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi trong 3 ngày với sự có mặt của 50 nhà lãnh đạo châu Phi. Dịp này, ngoài ngân sách 7 tỷ USD dành cho “lục địa đen”, chính phủ Obama còn đưa ra một chương trình trao đổi cho phép 500 sinh viên châu Phi từ 25-35 tuổi sang Mỹ đào tạo trong vòng 6 tuần.
Sự kiện nói trên cho phép “Tổng thống Obama mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và châu Phi”, như mong muốn mà Washington đã đề cập cách đây một năm tại Nam Phi. Đây được xem là bước tiến mới đối với một Tổng thống Mỹ có nguồn gốc châu Phi nhưng lại dành rất ít thời gian cho châu lục này. Nhật báo La Croix (Pháp) đánh giá đây là “sự kiện chưa từng thấy khi Mỹ đang dần coi trọng tiềm năng phát triển của châu Phi, chấm dứt những thập niên chìm trong nghèo đói và kinh tế u ám”. Song, các phương tiện truyền thông lại cho rằng, hành động của Mỹ sẽ làm Bắc Kinh tức giận vì nó cản trở bước bành trướng của Trung Quốc tại lục địa này.
Ngoài ra, một đối tác khác cũng không kém phần quan trọng góp phần ngăn cản “giấc mơ Trung Hoa” tại châu Phi, đó là Nhật Bản. Đầu năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe đã có chuyến công du 3 nước châu Phi: Bờ Biển Ngà, Mozambique và Ethiopia; thảo luận những hợp đồng dầu khí và than đá trị giá nhiều tỷ USD. Tokyo cũng đang tìm cách mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia của châu lục này về các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Vì sao “giấc mơ Trung Hoa” của Bắc Kinh tại châu Phi bị phê phán, bị nghi ngờ, bị lên án và cần phải có những hành động ngăn chặn? GS Robert Rotberg (Đại học Harvard), trong cuốn sách China into Africa: Trade, Aid, and Influence đã nhận xét: “Khi các nước châu Phi không xây dựng được những luật lệ nền tảng có tính phối hợp chung và cải thiện khả năng quản trị, Trung Quốc sẽ tiếp tục tận dụng khai thác các quốc gia yếu thế hơn trong công cuộc tìm kiếm tài nguyên và xác nhận quyền lực kinh tế mà hầu như không để ý đến các giá trị và nhu cầu của người dân châu Phi”.
Bởi vậy, các nhà quan sát nhận định: Cuộc chiến tranh giành châu Phi giữa châu Âu, Mỹ và Nhật Bản với Trung Quốc chắc chắn sẽ còn rất lâu dài và vô cùng quyết liệt.
TUYẾT MINH