Quan sát & Bình luận

Lối thoát đã được hé mở

07:55, 22/10/2015 (GMT+7)

Như vậy là 3 tháng sau khi thỏa thuận lịch sử giữa Iran và P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) về vấn đề hạt nhân của nước này được ký kết, các bên có liên quan đã có những bước đi còn hạn hẹp nhưng dự báo là tín hiệu tốt lành.

Để mở được một lối đi dù rất hẹp cho vấn đề hạt nhân của Iran, các bên liên quan đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong nhiều tháng qua. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngăn chặn được Hạ viện nước này chống lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đáng chú ý nhất là thắng lợi quan trọng của ông tại Thượng viện khi cơ quan lập pháp này phủ quyết dự thảo nghị quyết không cho phép Tổng thống Mỹ đình chỉ áp dụng các cấm vận kinh tế nhằm vào Iran

Trong khi đó, tại Teheran, Quốc hội cũng đã thông qua thỏa thuận với đa số phiếu, mở đường cho quốc gia này thực thi cam kết với nhóm P5+1.

Về phần mình, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) không gặp trở ngại nào trong nhiệm vụ được giao phó. Cơ quan này đang soạn thảo báo cáo về tình hình hạt nhân Iran và sẽ công bố văn bản trước ngày 15-12. Đây là một điều kiện tiên quyết để phương Tây chính thức bãi bỏ cấm vận đối với Iran.

Như vậy là trên thực tế, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã thông qua khuôn khổ pháp lý cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Tehran. Tổng thống Obama chính thức yêu cầu chính phủ của ông, nhất là Bộ Ngoại giao, Tài chính, Năng lượng… có những bước chuẩn bị khẩn trương để xóa bỏ cấm vận với Iran. Đây được xem là một cột mốc mang nhiều ý nghĩa đối với ông Obama, do chủ nhân Nhà Trắng luôn xem việc đạt được thỏa thuận với Iran là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của mình.

Khi Iran chứng minh được thiện chí thực thi các điều khoản đã cam kết với quốc tế, và khi các quan sát viên IAEA được phép đến thanh tra, Mỹ sẽ bắt đầu xóa bỏ những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, một số biện pháp trừng phạt khác, chủ yếu do Iran có liên hệ với các tổ chức khủng bố, vẫn sẽ tiếp tục được duy trì (?!).

Trong khi đó, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Federica Mogherini đã nói rõ tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) rằng, khối này đồng ý xóa bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế và tài chính, một khi phía Tehran chứng minh được việc giữ đúng lời hứa trong khuôn khổ thỏa thuận.

Theo các nhà quan sát, quyết định nói trên của Brussels và Washington là một cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn đầu tiên cho phép thực thi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1. Đây cũng là bước đầu để châu Âu và Mỹ xóa bỏ cấm vận kinh tế, tài chính  cùng các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số cá nhân trong chính phủ Iran. Các biện pháp trừng phạt đó đã liên tục được áp dụng từ hàng chục năm qua, gây cho Iran nhiều thiệt hại về cả kinh tế lẫn xã hội.

Tuy vấn đề hạt nhân của Iran đã mở lối đi hẹp, nhưng phía trước vẫn còn những chông gai nhất định. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đang có mặt tại Tehran đã đưa ra câu hỏi rằng, liệu Iran có thi hành những gì đã hứa với quốc tế hay không. Nói cách khác, Brussels và Washington ngầm gửi tới Tehran một thông điệp: Quả bóng đang ở trong sân của Iran!

Nhìn từ phía Tehran, để được xóa bỏ cấm vận, quốc gia này phải tỏ rõ thiện chí của mình. Theo lãnh đạo Tổ chức Năng lượng hạt nhân Iran, ông Ali Akbar Salehi, chỉ trong tuần này, hay chậm nhất là vào tuần sau, khi được lệnh của Tổng thống Hassan Rouhani, chính phủ Tehran lập tức tháo gỡ và phá hủy 2/3 trong số 19.000 máy ly tâm luyện uranium trong 10 năm, thay thế đầu máy luyện chất pluton và uranium để ngưng các hoạt động sản xuất mà các chất nguyên liệu này có thể sử dụng vì mục tiêu quân sự. Ngoài ra, Iran trong những ngày tới cũng sẽ phải giảm kho dự trữ uranium đã được làm giàu từ 12 tấn còn 300kg. Tất cả công tác trên được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các thanh tra viên quốc tế IAEA.

Vượt chặng đường dài gần 10 năm để các Iran và nhóm P5+1 tìm kiếm lòng tin. Bây giờ, công việc còn lại không kém phần quan trọng mà các bên liên quan phải hành động có trách nhiệm là thực thi thỏa thuận Vienna. Hơn thế, thực hiện thỏa thuận là để Iran thoát khỏi cuộc bao vây cấm vận, phát triển kinh tế - xã hội, có mối quan hệ hòa bình hữu nghị với tất cả quốc gia và tham gia giải quyết nhiều vấn đề phức tạp đang nổi lên tại khu vực.  

TUYẾT MINH

.