Quan sát & Bình luận

Sự can dự của Nga đã có kết quả?

07:42, 15/10/2015 (GMT+7)

Dù biết rằng khi tham chiến ở Syria, Nga sẽ là đối tượng mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhằm vào tấn công, như việc đạn pháo bắn vào Đại sứ quán Nga tại Damascus ngày 13-10 là một ví dụ điển hình. Song, sự can dự trực tiếp của Nga đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện của cuộc khủng hoảng ở Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.

Việc Nga tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở trú quân, hậu cần của IS đã gây cho lực lượng này những thiệt hại nghiêm trọng, tạo điều kiện cho quân đội chính phủ Syria tái chiếm nhiều vùng đất do IS kiểm soát. Mục tiêu hành động của Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ: Sự can dự của Mátxcơva tại Syria nhằm ổn định chính quyền hợp pháp tại Damascus, để rồi tạo điều kiện tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Theo ông Putin, Nga, Mỹ và châu Âu cần khuyến khích các bên trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này tiến hành đối thoại chính trị.

Thực tế cho thấy, Nga đã thể hiện điều đó khi để ngỏ cánh cửa hợp tác với phương Tây và các nước liên quan trong khu vực. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rằng, các cuộc gặp gỡ giữa nước ông với đại diện các nước ở Trung Đông sẽ sớm được tổ chức. Nga đã có một loạt phiên tiếp xúc gần đây với nhiều bên có ảnh hưởng ở Syria như: Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và kể cả Mỹ. Quá trình thảo luận cho thấy, đã có “bước đà” cho khủng hoảng Syria, các bên đều chia sẻ mối quan ngại về chủ nghĩa khủng bố, nhưng còn có sự khác biệt về quan điểm.

Sự can dự của Nga đã có tác động mạnh đến quan điểm của nhiều bên có lợi ích liên quan ở Syria. Đòn không kích của Nga sẽ buộc các phần tử thánh chiến IS tháo chạy khỏi Syria. Vấn đề là IS sẽ chạy sang đâu? Ít có khả năng là sang Iraq, vì Baghdad đã bắn tín hiệu ủng hộ Nga mở rộng không kích IS ở lãnh thổ Iraq. Chỉ còn cửa chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia - những nước bảo trợ chính cho phái Hồi giáo chống chính phủ ở Syria.

Đây sẽ “cơn ác mộng” thực sự đối với hai nước này: Ankara đã quá “đau đầu” với làn sóng tấn công khủng bố gần đây; còn Riyadh luôn lo ngại sự đổ bộ của các phần tử thánh chiến sẽ làm gia tăng bất ổn tại quốc gia giàu dầu mỏ này, nhất là khi IS tuyên bố lấy “Mecca làm thủ đô” của Nhà nước tự xưng. Nhìn về châu Âu, thế bất ổn kéo dài ở Syria sẽ đẩy lục địa già tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng di cư - vấn đề gây chia rẽ nội bộ khối.

Động thái tham chiến của Nga đã nhận được sự hỗ trợ không chỉ của Syria mà cả Iran, Iraq, làm Mỹ và các đồng minh châu Âu lúng túng, tức giận. Thực tế, mấy năm qua, Mỹ và phương Tây nắm vai trò chủ đạo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria lẫn cuộc chiến chống IS, nhưng không hiệu quả, thậm chí rơi vào bế tắc, nhất là khi dòng người di cư ở khu vực này vào Liên minh châu Âu (EU) tăng vọt và sự phát triển của IS.

Vì vậy, khi Nga bắt tay vào hành động, Mỹ và EU buộc phải thay đổi kế hoạch hành động để gỡ gạc lại những gì mà họ tự đánh rơi ở khu vực vô cùng trọng yếu này. Ngoài việc gia tăng không kích IS, Mỹ đã thay đổi cách thức ủng hộ lực lượng nổi dậy chống chính phủ Damascus bằng cách tiếp tế lương thực và vũ khí. Trong khi đó, nhiều nước EU đã nói đến một kế hoạch đàm phán hòa bình của các bên có liên quan nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ở Syria. Anh, Pháp, Đức hiện không còn xem việc từ nhiệm của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là điều kiện tiên quyết nữa mà sẽ “có lộ trình thời gian nhất định”.

Cao ủy Phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini thừa nhận, Nga giữ vai trò nổi bật trong các nỗ lực chính trị giúp giải quyết khủng hoảng Syria. Theo bà, EU và Mátxcơva hoàn toàn có thể tìm kiếm sự tương đồng trong vấn đề này. Và đây là tín hiệu tốt của quá trình giải quyết cuộc xung đột kéo dài ở Syria.

TUYẾT MINH

.