Quan sát & Bình luận

Vì đâu nên nỗi?

09:23, 30/10/2015 (GMT+7)

Trong suốt chiều dài lịch sử, Biển Đông là vùng biển yên bình và được xem là tuyến vận tải hàng hải, hàng không quan trọng của thế giới. Việt Nam là quốc gia có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Thế nhưng, năm 1974 và 1988, Trung Quốc với tham vọng bá quyền nhanh chóng độc chiếm Biển Đông, mưu toan biến khu vực này thành “ao nhà”. Vì vậy, Bắc Kinh đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo khác ở Trường Sa của Việt Nam.

Trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt là đầu hè năm nay, Trung Quốc tăng cường mở rộng diện tích nhiều bãi san hô, đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa; xây dựng nhiều công trình kiên cố như bến cảng, sân bay… để phục vụ các mục tiêu quân sự.

Hành động đó của Bắc Kinh đã xâm phạm chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, bị phía Việt Nam cực lực lên án. Cộng đồng quốc tế cũng hết sức phẫn nộ và lo ngại sự an toàn của tuyến vận tải hàng hải, hàng không đi qua Biển Đông.

Tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 5 vừa qua, trong bài phát biểu khai mạc, với tư cách là khách mời đặc biệt, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã trình bày rõ quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông. Theo đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cảnh báo, tất cả các nước châu Á đều thua thiệt nếu an ninh và ổn định khu vực bị đe dọa bởi các tuyến đường giao thông hàng hải và hàng không chính đều qua Biển Đông. Trước sức ép của dư luận quốc tế, Trung Quốc lấp liếm bằng tuyên bố rằng, họ “đã ngừng cải tạo bồi lấp” trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông (?!). Nhưng thực tế, họ vẫn ngang nhiên xây dựng và hoàn thiện các công trình trên các đảo nhân tạo này.

Báo Tấm gương của Đức số ra ngày 27-10 nhận định: Trung Quốc thực hiện tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ngày càng hung hăng hơn. Cụ thể, tại một trong số các bãi đá đã được bồi đắp trái phép thành “đảo nhân tạo”, Chính phủ Trung Quốc thậm chí đã cho xây dựng đường băng thứ ba. Bắc Kinh còn tuyên bố không cho phép bất kỳ nước nào xâm phạm vùng lãnh hải của Trung Quốc cũng như vùng không phận trên quần đảo Trường Sa.

Đáng chú ý là cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ, dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Nhà Trắng. Trong các phiên tiếp xúc, Washington chủ động đề nghị Bắc Kinh ngừng ngay hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, không tiến hành các hoạt động quân sự hóa ở khu vực này. Tuy nhiên, đề xuất của Mỹ không nhận được sự hưởng ứng tích cực từ Trung Quốc.

Trước tình hình đó, sự xuất hiện của tàu khu trục tên lửa USS Lassen có sự trợ giúp của máy bay trinh sát, máy bay săn ngầm tiến sâu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở đá Subi và đá Vành Khăn, trên khu vực quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Ngay lập tức, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Nếu điều đó là sự thật, chúng tôi khuyến cáo Mỹ nên suy nghĩ lại trước khi hành động và không nên hành động mù quáng hay tạo ra rắc rối không đáng có” (?!).

Trong khi đó, ngày 29-10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển”. Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Mục tiêu nhất quán của Việt Nam là khẳng định và quyết tâm bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời mong muốn giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và công ước quốc tế.

Từ những thực tế đó, một câu hỏi lớn đặt ra: Tình hình ở khu vực Biển Đông lại vì đâu nên nỗi như hiện nay?

Và câu trả lời cũng rất đơn giản, chính là do sự tham vọng, bất chấp dư luận và hành động hung hăng của Bắc Kinh muốn biến cả khu vực rộng lớn Biển Đông thành vùng biển chủ quyền của họ. Để một khi thâu tóm xong Biển Đông, họ sẽ tiến hành khai thác nguồn tài nguyên to lớn ở khu vực này và kiểm soát tuyến vận tải hàng hải, hàng không vô cùng quan trọng này của thế giới.

Cho nên, sự căng thẳng ở Biển Đông đang có nguy cơ leo thang và có thể dẫn đến xung đột vũ trang nếu các bên liên quan không kiềm chế thì trách nhiệm đó hoàn toàn thuộc về nhà cầm quyền Trung Quốc chứ không ai khác!

TUYẾT MINH

.