Quan sát & Bình luận

Hấp dẫn và thách thức

08:10, 29/10/2015 (GMT+7)

Sau 8 năm thương lượng gay go, phức tạp, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký, dẫn đến việc hình thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế. TPP được cho là sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các nước tham gia, nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức.

TPP khi hài hòa các chuẩn mực và hạ mức thuế quan sẽ đẩy mạnh thương mại giữa 12 nước. TPP sẽ xóa bỏ, cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đánh vào một loạt mặt hàng và dịch vụ, giải quyết các vấn đề như sự phát triển của kinh tế kỹ thuật số. TPP cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn đối với thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ là một bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu cuối cùng là mở cửa thương mại và hội nhập khu vực.

Chỉ chưa đầy một tháng sau khi được ký kết, nhưng TPP đã tạo sức hấp dẫn đối với nhiều nước. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tỏ ý rằng, nước bà có thể tham gia TPP để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Gần đây nhất, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định tại Nhà Trắng nhân chuyến thăm Mỹ rằng, Jakarta muốn gia nhập TPP. Ngay như Trung Quốc được cho là đối thủ cạnh tranh của Mỹ trên lĩnh vực kinh tế khi đứng ra xây dựng khung TPP để đàm phán, cũng đã bắt đầu thấy sức hấp dẫn của TPP như thế nào, nên đã đánh tín hiệu tham gia hiệp định.

Hiện nay, các nước tham gia TPP đang bắt đầu tiến trình thủ tục để cơ quan lập pháp phê chuẩn, sớm đưa hiệp định đi vào thực hiện như cam kết. Tuy nhiên, TPP cũng gặp không ít rào cản ở một số nước do phản ứng của phe đối lập.

Tại Mỹ, đã có những tiếng nói quan ngại về TPP. Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Hạ viện Mitch McConnell tỏ ra thận trọng; còn cánh cực tả của phe Dân chủ như Bernie Sanders thì cáo buộc TPP chỉ mang lợi ích cho Wall Street và các tập đoàn lớn. Một số nghị sĩ vẫn bực tức về hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ, thương lượng năm 1994 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đã đẩy một số ngành kỹ nghệ của Mỹ chạy sang Mexico, làm mất 700.000 việc làm. Tập đoàn xe hơi Ford “khuyến cáo Quốc hội Mỹ không thông qua TPP dưới hình thức hiện nay, để bảo đảm tính cạnh tranh tương lai của công nghiệp xe hơi”. Các tổ chức phi chính phủ, các nghiệp đoàn cũng sẽ tham gia phản đối trong những tuần lễ sắp tới.

Trong khi đó, các quan chức chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Nhà Trắng sẽ hợp tác với Quốc hội nước này nhằm tìm ra khung thời gian để các nhà lập pháp Mỹ xem xét TPP, đồng thời cảnh báo việc bác bỏ thỏa thuận này sẽ làm dấy lên sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực.  

Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) cũng ra tuyên bố bảo vệ TPP, gọi đây là một “thỏa thuận toàn diện và cân bằng”, sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn sống và giảm đói nghèo. Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman nói rằng, ông tin tưởng sẽ giành được sự ủng hộ chính trị đối với TPP.

Một số ý kiến khác cho rằng, sẽ xuất hiện sự chia rẽ giữa các nước trong và ngoài TPP, do tính cạnh tranh về thu hút đầu tư, hàng hóa, thuế quan… Mặt khác, TPP cũng đi kèm hàng loạt quy định ràng buộc khác ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, bao gồm thiết lập tiêu chuẩn cho môi trường và lao động; các quy định về sở hữu trí tuệ; đặc biệt là các công ty nước ngoài có thể đối đầu với quyết định của chính quyền sở tại bằng pháp lý…

Song, nhiều nhà quan sát nhận định, TPP đã tạo ra những nền tảng căn bản trên cơ sở quy tụ các đối tác có tư duy giống nhau và cùng lợi ích kinh tế trong quá trình mở cửa, nhất định sẽ vượt qua chướng ngại, sớm được phê chuẩn đi vào thực hiện. Trong tương lai không xa, sẽ là nền tảng xây dựng một FTA khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), thu hút nhiều nước thuộc APEC tham gia TPP.

TUYẾT MINH

.