Một thập niên nhìn lại biến cố "Mùa xuân Arab"

.

Năm 2011, tại Tunisia xuất hiện cuộc cách mạng trên đường phố, lật đổ chính quyền. Sau đó, biến cố Tunisia lan tỏa sang nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông mà các nước phương Tây gọi là “Mùa xuân Arab”.

Sau gần một thập niên nhìn lại, có thể thấy “Mùa xuân Arab” xuất phát từ tình trạng khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội ở các nước như: nạn thất nghiệp gia tăng nhanh chóng; tình trạng bất bình đẳng trong xã hội ngày càng sâu sắc; sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn; chính quyền bảo thủ, trì trệ…

Từ năm 2010, dưới tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, mâu thuẫn ở các nước châu Phi và Trung Đông trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, chỉ cần sự kích động nào đó châm ngòi thì có thể bùng phát thành các cuộc bạo động chính trị.
Nhưng nguyên nhân sâu xa của cái gọi là “Mùa xuân Arab” là gì và nằm ở đâu?

Mặc dù biến động chính trị - xã hội xảy ra ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông chủ yếu do nguyên nhân nội tại của các quốc gia, nhưng một khi bùng phát thì các tác nhân bên ngoài đã tranh thủ và lợi dụng thời cơ hiếm có để “lều lái” một cách có chủ ý nhằm phục vụ cho mục đích và lợi ích của họ.

Lâu nay, nhất là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cùng với cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ vào ngày 11-9-2001, cuộc chiến ở Afghanistan năm 2001, chiến tranh ở Iraq năm 2003…, các nước Bắc Phi và Trung Đông nhanh chóng rơi vào vòng xoáy tranh giành ảnh hưởng địa - chính trị và địa - kinh tế giữa các nước lớn bên ngoài khu vực, nhằm sở hữu quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, nguyên tố đất hiếm, quặng kim loại và thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường đầu tư cũng như sự chốt chặn về quân sự cho các toan tính chiến lược của mình.

Trong đó, Nga và Trung Quốc là những nước lớn giành được ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ so với các nước khác, kể cả Mỹ. Đây là điều mà các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) không chấp nhận trong bối cảnh thế giới đã chuyển từ kỷ nguyên đối đầu ý thức hệ sang kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột địa - chính trị trên phạm vi toàn cầu.

Do đó, sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục thực hiện “Đề án Đại Trung Đông” từng được Tổng thống tiền nhiệm G.W. Bush tiến hành từ năm 2001 nhưng không thành công. Nếu ông Bush thiên về “sức mạnh cứng” (quân sự, chiến tranh), thì Tổng thống Obama thiên về “sức mạnh thông minh”, trong đó kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm” nhằm tạo ra lợi thế để kiểm soát khu vực này.

Biến cố Tunisia dẫn đến “Mùa xuân Arab” bắt nguồn từ nhiều sắc lệnh của Tổng thống Obama, trong đó chủ yếu là sắc lệnh nghiên cứu số 11 mang tiêu đề “Cải cách chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi” được phê chuẩn ngày 12-8-2010.

Có thể nói, “Mùa xuân Arab” là quá trình tiếp tục thực hiện “Đề án Đại Trung Đông” nhưng được chuyển hóa cụ thể hơn, kết hợp giữa “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm” nhằm tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn. Nhưng những bước đi sâu xa hơn của “Mùa xuân Arab” là Mỹ và các đồng minh muốn đẩy nó lan sang Nga và Trung Quốc, đồng thời gia tăng vai trò để dễ dàng kiểm soát toàn bộ Trung Đông và Bắc Phi.
Thế nhưng, Mỹ và các đồng minh đã thất bại.

Đến thời điểm hiện tại, Mỹ và các nước đồng minh vẫn còn nhiều việc phải làm để dọn “bãi rác” của “Mùa xuân Arab”. Mặt khác, trên phương diện nào đó, họ đang dọn cỗ cho các đối thủ xâm nhập một cách hoàn hảo.

Đặc biệt, từ khi nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ vào tháng 1-2017, Tổng thống Donald Trump dường như muốn cải biến kế hoạch Trung Đông có lợi cho Israel, nên đã có những bước đi khá nguy hiểm, tạo ra nhiều “biến cố” ngoại giao, làm các nguy cơ hiện hữu có thêm tác động dễ dẫn đến xung đột vũ trang trên quy mô rộng lớn hơn.

Chẳng hạn, cuối năm 2017, Tổng thống Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, và mới đây là sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan.

Một lần nữa thế giới Arab “bỗng dưng” đoàn kết, với tuyên bố chung gồm 17 chương của hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 30 tại thủ đô Tunis của Tunisia, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề chủ chốt của khu vực, trong đó nhấn mạnh vấn đề của người Palestine, xung đột ở Libya và Syria (tàn dư của “Mùa xuân Arab”).

AL khẳng định vai trò trung tâm của Palestine trong tất cả hành động của khối tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đồng thời cam kết tiếp tục nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán nghiêm túc và hiệu quả theo thời gian biểu chính xác nhằm thiết lập nền hòa bình công bằng và toàn diện, phù hợp với tiến trình hòa bình và các nghị quyết.

AL nhấn mạnh cần thiết có giải pháp chính trị để chấm dứt khủng hoảng ở Syria dựa trên tiến trình của Geneva, cũng như các tuyên bố của nhóm hỗ trợ quốc tế cho Syria và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. AL khẳng định, cao nguyên Golan là vùng đất Syria bị chiếm đóng; bác bỏ quyết định của Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan.

Thế giới Arab đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Theo giới phân tích, dù chính quyền của Tổng thống Donald Trump xem kế hoạch hòa bình Trung Đông là thỏa thuận thế kỷ, thì cũng khó có thể một sớm, một chiều giải quyết được các cuộc xung đột kéo dài tại khu vực.

Những hình ảnh các cuộc biểu tình rầm rộ ở thủ đô nhiều nước khối Arab gần đây khiến người ta liên tưởng tới một cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” lần thứ 2 tương tự sự kiện lần đầu vào năm 2011. Tuy nhiên, ngoài một mặt trận thống nhất để đối phó với những thách thức chung đang là lựa chọn được ưu tiên, điều mà các nước Arab cần trong lúc này là sự ổn định chính trị để mở đường hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao mức sống của người dân để tránh lặp lại “Mùa xuân Arab”. 

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.