Mỹ cùng lúc đối diện với nhiều “điểm nóng”, từ quan hệ với Nga đến vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên; các cuộc xung đột ở Syria, Yemen, Palestine - Israel… Nhưng có lẽ điểm đang “nóng” hơn cả là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều phương diện: thương mại, công nghệ, quốc phòng - an ninh và bao trùm là chiến lược trong việc tranh giành vị trí thống trị thế giới.
Trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đề ra “giấc mơ Trung Hoa”: Trung Quốc trở thành xã hội thịnh vượng hài hòa trước năm 2020; cơ bản sẽ trở thành quốc gia hiện đại hóa vào năm 2035, phần lớn người dân xếp vào nhóm thu nhập trung bình với khoảng cách giàu - nghèo được thu hẹp; đến năm 2050, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng mạnh và thịnh vượng.
Để hoàn thiện mục tiêu nói trên, Trung Quốc đã có sách lược cụ thể như “Made in China 2025” - một trong những bước đi khuấy động chính trường thế giới. Từ một mô hình, trong đó Trung Quốc đóng vai trò “công xưởng sản xuất của thế giới”, đến năm 2015, Trung Quốc loan báo ý định thay đổi vị trí kế hoạch “Made in China 2025” chuyển sang cạnh tranh về sức mạnh kinh tế và khoa học công nghệ.
Chuyên gia Sylvie Matelli thuộc Viện quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) lý giải: “Trung Quốc đang vươn lên mạnh về công nghệ thông tin liên lạc và đó là những công cụ làm gián điệp. Sức mạnh của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này nằm ở chỗ họ nắm thông tin có giá trị không chỉ về kinh tế, tài chính mà còn cả về chiến lược, dù đó là thông tin về đời sống cá nhân, thu thập qua các mạng xã hội, hay thông tin mang tính chiến lược hơn về các chính phủ hay công ty, tập đoàn…
Những thông tin đó cũng là một nguồn sức mạnh về quân sự và là một mặt trận trong cuộc chiến thương mại hiện nay”. Chẳng hạn, Trung Quốc đang phát triển hệ thống định vị của riêng mình để không phải sử dụng hệ thống GPS của Mỹ. Hệ thống Bắc Đẩu (Beidou) của Trung Quốc được cho là có thể bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Trong lĩnh vực thẻ ngân hàng, Trung Quốc gạt qua một bên các tập đoàn Mỹ như Visa, Master Card hay American Express, và thay thế bằng thẻ Trung Quốc: Aliplay, WeChat, UnionPay.
Sự phát triển công nghiệp và công nghệ trong chương trình “Made in China 2025” đặt ra mục tiêu sử dụng công nghệ của riêng Trung Quốc ở tỷ lệ 70% cho các vật liệu, thành phần then chốt trong các lĩnh vực robot, xe hơi điện, viễn thông hay công nghệ học sinh thái…
Mặt khác, Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự một cách nhanh chóng; trong đó đề ra chiến lược biển, tập trung tại Biển Đông, Biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương và bất cứ nơi nào khác trên biển là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc biển.
Vì thế, ngay tại Biển Đông, chỉ trong gần 3 năm, Trung Quốc đã khởi động kế hoạch quy mô xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạng san hô hay các đảo nhỏ mà họ cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam để hình thành các căn cứ quân sự, cơ sở hậu cần phục vụ cho mưu đồ biến “Biển Đông thành ao nhà”. Ngoài ra, Trung Quốc còn đóng tàu chiến, tàu sân bay…, gia tăng sức mạnh hải quân nhằm răn đe hay đối đầu với các nước trong khu vực, kể cả Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc đề ra sáng kiến “Một vành đai - Một con đường”, đầu tư hàng ngàn tỷ USD cho các nước từ Á sang Âu, đến châu Phi, châu Mỹ nhằm xây dựng hệ thống giao thông, cảng biển, hay các nhà máy, công xưởng mà ở đó chỉ có công nghệ cũng như nhân lực chủ chốt của Trung Quốc.
Những vấn đề nêu trên được xem là “nút thắt” mà Washington nhận thấy “Giấc mơ Mỹ” đang bị Bắc Kinh đe dọa và khó chấp nhận vị trí hàng đầu của mình có thể bị cướp mất. Do vậy, một trong những mục tiêu đầu tiên mà Tổng thống Donald Trump hành động là mở cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Đến nay, quan hệ Mỹ - Trung không đơn thuần là xung đột thương mại trên bình diện “thuế quan”, mà là cuộc đối đầu trên mọi phương diện cả về chính trị lẫn kinh tế và quân sự.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc hoạt động gián điệp, đánh cắp dữ liệu, công nghệ của Mỹ; kinh doanh không công bằng, chèn ép các doanh nghiệp nước ngoài và tài trợ cho các doanh nghiệp trong nước; các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông là phi pháp, gây mất an ninh và tự do hàng hải…
Một số động thái mạnh mẽ mà Mỹ đang tiến hành là tăng thuế lên hàng hóa của Trung Quốc; cấm các tập đoàn của Mỹ sử dụng trang thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE; ngăn các nhà khoa học quân sự Trung Quốc sang Mỹ nghiên cứu, học tập…
Đáng chú ý, lần đầu tập trận cùng các đội tàu của Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ trên Biển Đông, Hải quân Mỹ cũng gửi thông điệp tới Trung Quốc: Nếu Bắc Kinh tiếp tục biến các bãi đá tranh chấp tại vùng biển này thành tiền đồn quân sự để thực thi yêu sách chủ quyền phi lý, Washington sẽ đáp trả bằng việc tiến hành thêm các cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải. Căng thẳng ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới không chỉ tác động xấu đến kinh tế của mỗi nước mà còn có nguy cơ làm đảo lộn các mối quan hệ quốc tế.
Bà Alice Ekman, chuyên gia về Trung Quốc (IFRI) nhận định, nếu nhìn từ “cuộc chiến thương mại” cho đến các căng thẳng trên Biển Đông, “rõ ràng thế giới đang bước vào một giai đoạn đối đầu mạnh mẽ và lâu dài giữa Bắc Kinh và Washington”.
TUYẾT MINH