"Cái chết" của INF và số phận mờ mịt của New START

.

Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2-8 và Nga cũng có động thái tương tự. Như vậy, khoảng thời gian để hai nước cứu vãn hiệp ước hơn 30 năm tuổi đã kết thúc kể từ tháng 2-2019, thời điểm Tổng thống Donald Trump cảnh báo việc rút khỏi thỏa thuận này.
INF được Mỹ và Nga ký năm 1987.

Hai bên đã giải giáp gần 2.700 tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tầm trung (tầm bắn 1.000 - 5.500km) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm ngắn (500 - 1.000km), không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển.  

Trong hơn 30 năm tồn tại, INF góp phần vào sự ổn định ở châu Âu nhưng cả Mỹ lẫn Nga không ngừng cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước. Theo Mỹ, loại tên lửa Novator 9M729 mới của Nga mà NATO gọi là SSC-8, có khả năng tấn công châu Âu trong thời gian cực nhanh, bị cấm theo quy định của INF. Nga khẳng định không tiêu hủy Novator 9M729 và loại tên lửa này không vi phạm INF. Moscow tố Mỹ vi phạm INF bằng việc lấy cớ triển khai hệ thống phòng không ở châu Âu nhưng thực chất hệ thống này có khả năng phóng các tên lửa hành trình tấn công Tomahawk.

Căng thẳng về INF khiến nhiều nước quan ngại. Bên cạnh đó, điều đáng lo nữa là Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa Mỹ và Nga hết hạn vào năm 2021 có thể sẽ không được gia hạn.

New START được ký kết năm 2010, hiện là thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Washington và Moscow. New START quy định trong vòng 7 năm kể từ ngày hiệp ước chính thức có hiệu lực (năm 2011), hai cường quốc này phải cắt giảm khoảng 1/3 tiềm năng hạt nhân. Giờ đây, New START có thể sẽ chung số phận với INF.

Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, Washington sẵn sàng có một thỏa thuận hạt nhân mới bao gồm cả Nga và Trung Quốc. Chưa rõ diện mạo hiệp ước mới sẽ như thế nào, nhưng Trung Quốc đến nay vẫn từ chối tham gia đàm phán về cơ chế kiểm soát vũ khí ba bên. Theo đó, đến lúc New START hết hiệu lực thì sẽ chẳng còn gì ngăn cản cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới giữa Mỹ và Nga. Không những thế, cuộc chạy đua vũ trang mới nếu xảy ra sẽ chắc chắn kéo theo sự tham gia của các cường quốc khác.

Một số nhà phê bình của Mỹ cảnh báo, khi Washington rời INF, Nga có thể danh chính ngôn thuận phát triển vũ khí mà họ muốn. Nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Chris Murphy gọi việc Washington rút khỏi INF là “món quà” cho Nga, cho phép người Nga tăng cường phát triển các vũ khí hạt nhân tầm trung mà không lo bị Washington nhòm ngó. Song, Moscow lo ngại Mỹ sẽ triển khai tên lửa tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại châu Á và châu Âu, trực tiếp đe dọa an ninh thế giới nói chung và nước Nga nói riêng.

Chuyên gia giải giáp vũ khí Thụy Sĩ Oliver Thränert nhận định, khi INF “chết”, New START dù có được gia hạn thì cũng sẽ chỉ như miếng gạc đặt hờ vào vết thương đang lở loét nghiêm trọng, bởi cả Nga lẫn Mỹ đều đang mất dần niềm tin vào nhau và mong muốn theo đuổi chương trình hạt nhân của riêng mình.
Theo chuyên gia Thränert, không thể phủ nhận vai trò của Mỹ và Nga trong cuộc đua hạt nhân hiện nay, nhưng kiểm soát vũ khí hạt nhân là vấn đề đa phương chứ không phải song phương.

Ông Thränert lý giải: “Tầm ảnh hưởng của châu Á đang tăng theo cấp số nhân. Mặc dù Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan vẫn còn cách khá xa Mỹ và Nga về quy mô kho vũ khí hạt nhân, nhưng họ đang cố gắng bắt kịp và đó là điều không thể bỏ qua”. Đặc biệt, ông Thränert cảnh báo, kiểm soát vũ khí trong tương lai sẽ không chỉ tập trung vào vũ khí hạt nhân mà các công nghệ khác như tên lửa phòng thủ, vũ khí chính xác tầm xa, thông thường hay vũ khí không gian mạng cũng đang đe dọa sự ổn định chiến lược của thế giới.

Thực tế cho thấy, “cái chết” của INF và số phận mờ mịt của New START đặt thế giới trước cuộc chạy đua vũ trang mới. Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ và Nga sẽ khó đạt được bất kỳ thỏa thuận mới nào về vũ khí chiến lược.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.