Tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan xung quanh vấn đề Kashmir bắt nguồn từ thời điểm hai quốc gia láng giềng Nam Á này giành độc lập từ tay thực dân Anh vào năm 1947. Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Kể từ năm 1947, nơi đây vẫn bị chia cắt thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này.
Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa lực lượng binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir. Lần gần đây nhất là tháng 2-2019 sau vụ đánh bom xe liều chết do nhóm phiến quân có căn cứ tại Pakistan thực hiện ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến ít nhất 40 cảnh sát bán quân sự của nước này thiệt mạng. Vụ tấn công châm ngòi cho các cuộc không kích qua lại giữa hai bên.
Ngày 5-8 vừa qua, Ấn Độ công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời trình dự luật tách bang này thành hai vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir từ ngày 31-10. Ngay lập tức, Pakistan phản đối mạnh mẽ, tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc. Thậm chí, Pakistan không cho phép chuyên cơ của Thủ tướng Ấn Độ bay qua vùng trời nước này.
Diễn biến đó cho thấy, việc tìm kiếm hòa bình bền vững giữa Ấn Độ và Pakistan, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh giữa hai quốc gia Nam Á có vũ khí hạt nhân, ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp. Một cuộc xung đột nhỏ giữa Ấn Độ và Pakistan có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân và khiến hàng trăm triệu người mất mạng. Vì thế, Mỹ - đối tác của cả hai bên đã kêu gọi cả Ấn Độ lẫn Pakistan cấp thiết đối thoại trực tiếp để có thể “phá băng” quan hệ. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Trung Á, bà Alice G. Wells cho rằng, đối thoại trực tiếp giữa hai nước láng giềng này là hướng đi triển vọng nhất để giảm căng thẳng.
Bà Wells cho biết, trong các cuộc đàm phán kín năm 2006-2007, các quan chức Ấn Độ và Pakistan đã đạt được tiến bộ đáng kể về một số vấn đề, bao gồm cả Kashmir. “Lịch sử cho chúng ta thấy những điều có thể làm được. Tái khởi động một cuộc đối thoại song phương hữu ích đòi hỏi việc xây dựng lòng tin”, bà Wells nói. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng hối thúc Ấn Độ và Pakistan giải quyết vấn đề Kashmir thông qua đối thoại.
Một trong những vấn đề khiến Ấn Độ phẫn nộ là Pakistan tiếp tục hậu thuẫn những phần tử thánh chiến tiến hành các hoạt động khủng bố xuyên biên giới và là trở ngại chính đối với đàm phán. Ấn Độ cho rằng, Pakistan đang chứa chấp các nhóm khủng bố như Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammed, vốn tìm cách kích động bạo lực qua đường ranh giới kiểm soát (LoC) và Islamabad phải chịu trách nhiệm về hành động của những nhóm này. Bà Wells từng nhấn mạnh, nền tảng của bất kỳ cuộc đối thoại thành công nào giữa Ấn Độ và Pakistan đều dựa trên việc Islamabad có những bước đi lâu dài, không thể đảo ngược chống lại phiến quân và khủng bố trong lãnh thổ của nước mình.
Song, vấn đề đặt ra là trên thực tế, Pakistan sẽ giải quyết các nhóm khủng bố đang ẩn nấp ở nước mình như thế nào? Sau cuộc tấn công khủng bố vào Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ năm 2008 làm 170 người thiệt mạng, hay hàng chục vụ tấn công khủng bố sau đó, vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của Ấn Độ cũng như cộng đồng quốc tế.
TUYẾT MINH