Truyền hình nhà nước Iran ngày 6-11 đưa tin, Tehran đã bắt đầu bơm khí uranium vào các máy ly tâm ở cơ sở hạt nhân ngầm Fordow. Đây là một phần trong bước thứ 4 của Iran nhằm thu hẹp các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Hai ngày trước đó, Iran đưa vào sử dụng loạt 30 máy ly tâm IR-6 thế hệ mới và lượng sản xuất uranium làm giàu của nước này đã đạt 5kg/ngày. Giới chuyên gia đánh giá nếu có ý định phát triển vũ khí hạt nhân thì việc đưa vào sử dụng loạt máy ly tâm kể trên giúp cắt ngắn 1 năm quỹ thời gian cần thiết để hoàn thiện vũ khí.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc Iran tăng cường hoạt động làm giàu uranium bất chấp cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân là bước đi lớn sai hướng, đồng thời Washington sẽ tiếp tục gây sức ép với Tehran. “Iran không có lý do đáng tin cậy để mở rộng chương trình làm giàu uranium của họ tại cơ sở Fordow hay bất kỳ nơi đâu”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Từ tháng 5-2019, Iran bắt đầu giảm cam kết trong thỏa thuận JCPOA, đúng một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran.
Đáng chú ý, để gây áp lực buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán theo các mục tiêu của mình, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ… Một số tàu của Iran vận chuyển dầu đi các nơi bị ngăn chặn, truy bắt. Vì thế, eo biển Hormuz trở thành điểm nóng trên tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông ra thế giới.
Không những vậy, Mỹ đưa lực lượng Vệ binh cách mạng Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế để giám sát, trừng phạt. Bộ Tham mưu Các lực lượng vũ trang Iran cũng bị trừng phạt. Ngoài ra, Mỹ gia tăng lực lượng đồn trú khu vực Trung Đông và cùng các đồng minh lên kế hoạch hành động quân sự nếu cần thiết nhằm vào Iran…
Trong bối cảnh đó, các nước liên quan trong JCPOA hầu như chẳng làm được những gì đã cam kết với Iran. Nắm lợi thế của mình, Tehran đã chọn những giải pháp thích ứng nhằm gây áp lực cho cả Mỹ lẫn các bên liên quan.
Lãnh đạo Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi khẳng định, việc đưa vào sử dụng loạt máy ly tâm tiên tiến cho thấy “năng lực và quyết tâm” của Tehran. Theo quan chức này, Iran giờ đây có năng lực làm giàu uranium ở mức 5% mỗi ngày tại cơ sở hạt nhân Fordow và có khả năng nâng mức làm giàu uranium lên 20% nếu cần thiết.
Động thái của Iran ngay lập tức gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Pháp kêu gọi Iran đảo ngược quyết định làm giàu uranium. Anh cho rằng, quyết định này gây mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của xứ sở sương mù…
Điều đáng nói là giữa Mỹ và Iran không có bất kỳ kênh đối thoại nào, cũng như không vạch ra những lằn ranh rõ ràng khi xung đột leo thang. Vì vậy, căng thẳng giữa hai quốc gia này rất khó đoán định. Trong khi đó, Anh kêu gọi “một con đường hướng tới tương lai thông qua đối thoại quốc tế mang tính xây dựng”, nhưng điều kiện của London là Iran cần “thực hiện những cam kết và ngay lập tức trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận”.
Có thể nói, quyết định của Iran tiếp tục giảm cam kết trong JCPOA cũng như không ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ khi chủ nhân Nhà Trắng chưa hủy bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt được xem là phép thử phức tạp cho các bên liên quan. Nếu để JCPOA quay lại con số không là thất bại của các cường quốc. Còn nếu duy trì thỏa thuận thì các bên cần hành động như thế nào để Iran hài lòng và Mỹ chấp nhận…
TUYẾT MINH