Covid-19 khoét sâu hố ngăn EU - Mỹ

.

Covid-19 không những đẩy cả Liên minh châu Âu (EU) lẫn Mỹ vào cuộc khủng hoảng về y tế nghiêm trọng nhất, mà còn đào sâu hố ngăn cách giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Thực tế cho thấy, khi Covid-19 có nguy cơ lan rộng ra nhiều châu lục, hồi đầu tháng 3 vừa qua, Mỹ đơn phương đóng cửa không phận đối với 26 quốc gia khu vực Schengen, gây phản ứng bất bình từ EU. Ngày 12-3, trong một thông cáo “bất thường”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel gọi biện pháp của Mỹ là quyết định “được đưa ra một cách đơn phương và không có sự tham khảo ý kiến”. Việc Mỹ không áp dụng biện pháp đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ Vương quốc Anh càng cho thấy rõ ý đồ trừng phạt có chọn lọc của Washington mang tính chính trị nhằm vào EU.

Thêm vào đó, chính phủ Mỹ bị chỉ trích không thể hiện tình đoàn kết đối với các đối tác EU khi các quốc gia của “lục địa già” phải vất vả đối phó với Covid-19. Mới đây, các lô khẩu trang Pháp và Đức đặt hàng chuẩn bị lên máy bay đưa về nước thì bị các công ty Mỹ trả giá cao “mua đứt” ngay tại sân bay bằng tiền mặt. Cảnh sát Đức ngày 3-4 nói với báo Der Tagesspiegel của nước này rằng, lô khẩu trang gồm 200.000 chiếc rời một nhà máy của 3M (công ty Mỹ chuyên sản xuất khẩu trang N95) tại Trung Quốc đã tới Bangkok (Thái Lan) và dự kiến được chuyển tới Berlin (Đức) nhưng sẽ không bao giờ đến thành phố này. Thay vào đó, điểm đến là Mỹ.

Trên Twitter, Thị trưởng Berlin Michael Muller nhấn mạnh: “Hành động của Mỹ không thể hiện sự đoàn kết hoặc trách nhiệm. Chính phủ liên bang (Đức) phải thể hiện cho Mỹ thấy rằng các quy tắc quốc tế cần được tôn trọng, ngay cả thời điểm đại dịch toàn cầu”. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ tại Đức bác bỏ việc Washington đã tịch thu lô hàng khẩu trang đang trên đường được chuyển tới Berlin và gọi đây là những thông tin thất thiệt gây chia rẽ. Ngay cả 3M cũng nói rằng họ không có bất kỳ đơn đặt hàng nào từ Berlin.

Trong một động thái khác, Tổng thống Trump đã tìm cách giữ độc quyền của nước Mỹ về các nghiên cứu do phòng thí nghiệm tư nhân CureVac của Đức thực hiện, liên quan việc phát triển vaccine phòng bệnh. Chính phủ Đức phản đối động thái của Mỹ. Ủy ban châu Âu đã cung cấp khoản tín dụng 80 triệu euro để tài trợ cho công việc nghiên cứu của CureVac nên hành động của Mỹ không được chấp nhận. Ông Norbert Rottgen, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Đức nói: “Đây không phải là cách để đối xử với các đối tác xuyên Đại Tây Dương”.

Một điểm đáng chú ý khác, cuộc họp trực tuyến của Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 ngày 25-3 càng cho thấy khủng hoảng Covid-19 làm bộc lộ rõ hơn những bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương. Hội nghị G7 kết thúc mà không ra được thông cáo chung. Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thúc đẩy việc sử dụng thuật ngữ “virus Vũ Hán” để đổ lỗi cho Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh, “cần chống lại mọi hành động biến cuộc khủng hoảng thành công cụ để thực hiện mục tiêu chính trị”...

Một hội nghị trực tuyến khác giữa các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các chính phủ thành viên G7, do Mỹ chủ trì vào giữa tháng 3, đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó có việc chia sẻ hoàn toàn các dữ liệu dịch tễ học, xây dựng các dự án chung về nghiên cứu… Thế nhưng, G7 cũng không đưa ra được đáp án chung nào về hai điểm quan trọng sống còn đối với cuộc chiến y tế chống dịch bệnh: sản xuất khẩu trang y tế và máy trợ thở.

Liệu hố ngăn cách giữa Mỹ và EU sẽ leo thang đến đâu? Khủng hoảng lần này để các nhà lãnh đạo nhìn nhận rõ hơn về vai trò của chủ nghĩa đa phương cũng như đơn phương trong cuộc chiến sinh tử, để thu hẹp các bất đồng trong nội bộ EU và giữa hai bờ Đại Tây Dương nhằm hướng đến những mục tiêu chung có thể chấp nhận cho các bên liên quan.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.