Thấy gì qua Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc?

.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc lẽ ra được tiến hành vào cuối tháng 3 tại Trung Quốc, nhưng bị hoãn do bùng phát đại dịch Covid-19. Theo kịch bản ban đầu, hội nghị này sẽ khởi động cho một năm định hướng trong quan hệ song phương, mà đỉnh cao là một cuộc gặp mặt lịch sử của tất cả 27 nhà lãnh đạo EU với lãnh đạo Trung Quốc.

Song, từ khi bùng phát Covid-19 đến nay đã xuất hiện khá nhiều yếu tố làm quan hệ đôi bên trở nên phức tạp khó lường. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc - EU diễn ra vào ngày 22-6 vừa qua nhằm cố gắng giải quyết những khác biệt và chuẩn bị cho cuộc họp bất thường của lãnh đạo hai bên vào cuối năm nay với tham vọng ký kết Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc.

Tuy nhiên, không khí của hội nghị trở nên u ám khi không đưa ra được tuyên bố chung. Sau cuộc họp, hai bên vẫn tiếp tục đối đầu trong hàng loạt chủ đề lớn, từ các vấn đề kinh tế như quy chế bảo đảm cho hai bên tham gia vào thị trường đối tác, chống trợ giá, cho đến sự bùng phát của Covid-19…

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố Trung Quốc cần mở cửa thị trường hơn nữa đối với EU để cân bằng lại tình trạng mà ông gọi là mối quan hệ thương mại không cân xứng giữa hai bên. Còn bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cho biết hai bên không đạt được tiến triển như đã đề ra trong tuyên bố của hội nghị cấp cao năm ngoái về nỗ lực giải quyết những rào cản tiếp cận thị trường… Đại diện EU nhấn mạnh: “Một thỏa thuận tồi không nằm trong lựa chọn” nên phải cần thêm thời gian; đồng thời cho rằng hai bên cần tuân thủ những cam kết ngay lập tức và phía Trung Quốc cần có tham vọng lớn hơn nhằm kết thúc cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư.

Về phần Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, Bắc Kinh “dành nhiều tâm huyết” để mở rộng và cam kết tạo ra môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường mang tầm cỡ thế giới với khung pháp lý phù hợp cho các doanh nghiệp từ tất cả các nước, đồng thời nói thêm rằng các công ty châu Âu đã được hưởng nhiều lợi ích.

Bắc Kinh hy vọng EU cũng sẽ mở cửa thị trường đầu tư, thương mại của khối và nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc để tạo thuận lợi cho việc phát triển thương mại công nghệ cao song phương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố quốc gia châu Á này là “đối tác chứ không phải đối thủ” của EU, vì Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường cải cách và mở rộng mở cửa, sẽ cung cấp cho châu Âu những cơ hội hợp tác, phát triển mới.

Diễn biến đó cho thấy, đối với EU, thách thức hiện nay là làm sao thiết lập được quan hệ “cân bằng quyền lực” trong khi phải tìm kiếm sự đồng thuận, trong bối cảnh giới chuyên gia nhiều lần cảnh báo việc chuyển giao công nghệ có lợi cho Trung Quốc đã diễn ra ồ ạt sau hai thập niên, và sự phụ thuộc của EU đang ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn. EU sẽ cố gắng tìm cách tái cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc với phương châm “vừa là đối tác, vừa là đối thủ”.

Một thực tế là trong vài năm qua, người châu Âu trở nên ít “lý tưởng” hơn về Trung Quốc. Châu Âu đã cảnh báo về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng và việc các công ty tiềm năng của Trung Quốc tiếp quản các công ty quan trọng chiến lược, đặc biệt khi hiện nay một số công ty gặp khó khăn do Covid-19.

Mặt khác, một vấn đề không kém phần quan trọng là EU luôn cố không bị cuốn vào “cuộc đấu” căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Ngay trước thềm hội nghị này, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp EU Thierry Breton khẳng định: “Châu Âu không phải là chiến trường của Mỹ và Trung Quốc”.

Vì thế, bất chấp những khác biệt với chính quyền Mỹ, EU vẫn xác định liên kết đối tác xuyên Đại Tây Dương là mối quan hệ quan trọng hàng đầu đối với liên minh. Nhưng EU cũng khẳng định Trung Quốc là đối tác cần thiết, đồng thời đánh giá mối quan hệ với Bắc Kinh vốn rất phức tạp và tình trạng này sẽ tiếp diễn trong thời gian dài. Do vậy, quan điểm của EU là mối quan hệ với Trung Quốc phải được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, minh bạch và nguyên tắc “có đi có lại”.

Có thể nói, qua hội nghị EU - Trung Quốc cho thấy đã có sự khác biệt lớn trong việc chọn lựa mục tiêu, yếu tố để xây dựng quan hệ. Nếu như 20 năm qua Trung Quốc nhún nhường để thâu tóm nguồn vốn, công nghệ và các chính sách tài trợ nhằm xây dựng nguồn lực, thì nay Bắc Kinh đã khác rất nhiều. Hơn nữa, cam kết với chủ nghĩa đa phương từ Bắc Kinh không giành được niềm tin của EU. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc không ra tuyên bố chung và các kế hoạch cho những mục tiêu lớn sắp tới của đôi bên vẫn còn mờ mịt.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.