Công nghệ
Đào tạo nhân lực chuyển đổi số: Đổi mới chương trình, mở rộng hợp tác
Các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng đang có nhiều đổi mới trong chương trình đào tạo, mở rộng hợp tác nhằm góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực có kiến thức, kỹ năng cho công cuộc chuyển đổi số ở đa ngành, đa lĩnh vực.
Nhiều ngành học mới được mở ở các trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chuyển đổi số. TRONG ẢNH: Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Cuối tháng 1 vừa qua, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) ký kết hợp tác Sở Thông tin và Truyền thông về thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển thành phố thông minh.
Theo đó, hai bên chia sẻ kiến thức về chuyển đổi số (phát triển, đào tạo nguồn nhân lực số và kỹ năng số; các quy trình an ninh, an toàn thông tin; chính sách về công nghệ thông tin và truyền thông); tổ chức và thực hiện nghiên cứu, triển khai, chuyển giao các giải pháp công nghệ mới; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng; nghiên cứu xây dựng mô hình, kiến trúc, tiêu chí, tiêu chuẩn và phương án triển khai trường đại học số; tổ chức các cuộc thi (trí tuệ nhân tạo, giải pháp cho đô thị thông minh, khai thác và xử lý dựa trên dữ liệu chuyên ngành…); tổ chức lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các đối tượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, người dân và sinh viên.
PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, cho biết để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chuyển đổi số, nhà trường đang có kế hoạch mở các ngành như Trí tuệ nhân tạo, Truyền thông và Mỹ thuật số, Marketing kỹ thuật số, các chuyên ngành mạng và an toàn thông tin, quản trị tài chính số…
Đây là các hướng đào tạo có nhu cầu tuyển dụng rất cao, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm và làm được việc ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí có thể được doanh nghiệp tuyển dụng làm bán thời gian khi chưa tốt nghiệp.
Với mục tiêu trở thành trường đại học số đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, năm 2021, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn thành lập Viện Khoa học và Công nghệ số (eSTI) với mục tiêu hình thành các nhóm nghiên cứu lớn, chuyên sâu, đa ngành với trung tâm là khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; công nghệ thông minh và chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...
Giữa tháng 2, nhà trường phối hợp một số đối tác trong và ngoài nước triển khai dự án “Nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số”, được Hội đồng Anh tài trợ trong khuôn khổ chương trình Hợp tác đối tác toàn cầu.
PGS.TS Huỳnh Công Pháp cho hay: “Một trong những mục tiêu của dự án là phát triển các kỹ năng làm việc cần thiết cho sinh viên công nghệ thông tin để giúp các em tiếp cận các cơ hội việc làm phù hợp. Chúng tôi kỳ vọng, dự án sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức.
Trên cơ sở đó, tạo cho sinh viên nhà trường một nền tảng kiến thức, chuyên môn vững chắc, các kỹ năng cần thiết nhằm phù hợp và đáp ứng tốt nhất nhu cầu tuyển dụng nhân lực số trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay”.
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) là 1 trong 6 trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam tham gia dự án EMVITET do Erasmus+ (do Liên minh châu Âu thành lập) tài trợ nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên, đáp ứng nhu cầu dạy - học trong thời kỳ 4.0. Bằng cách sử dụng hệ thống e-Learning, sinh viên có thể xem lại bài giảng, tìm hiểu tài liệu, chủ động học tập, đặc biệt là trong giai đoạn học trực tuyến.
TS Nguyễn Thị Khánh Hồng, Trưởng phòng Khảo thí nhà trường, nhận định với cách làm này, dù không thể đến giảng đường do ảnh hưởng của Covid-19, sinh viên vẫn rèn luyện được kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tổ chức trong doanh nghiệp. Nhà trường cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035, trong đó nhấn mạnh việc thành lập các ngành mới để nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các học phần trong chương trình đào tạo được lồng ghép với tin học ứng dụng và kỹ thuật số, trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng về chuyển đổi số. Trường cũng thành lập khoa Công nghệ số, nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, triển khai các dự án nghiên cứu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi số.
Theo TS Nguyễn Quang Như Quỳnh (Khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng), để tạo nên một lực lượng nhân lực khoa học công nghệ cao, cần tập trung xây dựng chương trình đào tạo chuẩn, gắn kết với doanh nghiệp công nghệ, cơ sở sản xuất công nghiệp tiên tiến để đưa công nghệ mới, quy trình quản lý vận hành mới đến các giảng viên và sinh viên. Quy trình này cần được thực hiện liên tục.
Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần thúc đẩy và hỗ trợ các trường THPT trong việc định hướng các học sinh giỏi khoa học tự nhiên xây dựng niềm yêu thích với công nghệ. Ngoài ra, cần tạo sự đột phá trong nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng cách gắn liền nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
TS Nguyễn Quang Như Quỳnh nhìn nhận: “Trong giáo dục - đào tạo nhân lực chuyển đổi số, một đòi hỏi hàng đầu là chính các đơn vị giáo dục - đào tạo mà cụ thể là chính các thầy cô phải thực hiện chuyển đổi số ở chính mình. Bắt đầu từ tư duy và tiếp đó là cách thực thi, áp dụng các triết lý giáo dục khai phóng để tạo ra những con người có khả năng tự học, tự thay đổi, tự hành động hướng tới tự hoàn thiện trong bối cảnh luôn luôn biến động của cuộc sống và dưới tác động công nghệ”.
Các trường thành viên Đại học Đà Nẵng đã và đang xây dựng các ngành học mới, đặc trưng phục vụ chuyển đổi số như: Khoa học dữ liệu và AI, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử viễn thông (Trường Đại học Bách khoa); Thương mại điện tử, Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số, Quản trị logistics và chuỗi cung ứng số (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật); Khoa học dữ liệu (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh)… Trong thời gian tới, Đại học Đà Nẵng sẽ xây dựng các nền tảng kết nối để hình thành mạng lưới nhà khoa học trong nước và quốc tế, phát triển mạng lưới tư vấn khoa học; phối hợp với thành phố để hình thành Trung tâm khởi nghiệp cấp quốc gia… Đặc biệt, Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều đơn vị để tăng cường nhận thức xã hội về chuyển đổi số, đào tạo nhân lực và hỗ trợ nhân rộng mô hình chuyển đổi số cho các trường đại học, cao đẳng, phổ thông.
|
KHANG NINH